Không chủ quan với bệnh lao

Giang Hương 17/04/2019 08:00

Lao là bệnh lý nhiễm trùng gây tử vong nguy hiểm nhất thế giới, cướp đi nhiều sinh mạng hơn các virus như HIV/AIDS hay Ebola, với gần 5.000 người tử vong mỗi ngày. Mặc dù những năm gần đây số bệnh nhân mắc bệnh lao đã giảm nhưng vẫn còn đó những nỗi lo không thể chủ quan.

Không chủ quan với bệnh lao

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, năm 2017, Việt Nam có khoảng 124.000 người mắc lao mới, số người chết do lao là khoảng 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Với số người mắc cao, hiện Việt Nam đang nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao, đứng thứ 15 về gánh nặng lao kháng đa thuốc. Đặc biệt là nếu điều trị lao thường có thể chỉ tốn khoảng dưới 10 triệu đồng nhưng với lao đa kháng thuốc có thể mất tới 70-80 triệu đồng.

Ước tính, chỉ mới phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây được xác định là nguồn lây lan bệnh lao lớn nhất. Thêm vào đó, công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có ý thức phòng chống bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết của bệnh bao gồm: Ho dai dẳng, ho mãi mà không hết. Ho mà không có triệu chứng như đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi. Ho nặng về sáng và chiều tối. Sốt do lao ít khi sốt cao. Thường sốt nhẹ, dai dẳng và diễn ra vào chiều tối. Sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Tức là đã dùng thuốc hạ sốt vài ngày cho đến 1 tuần nhưng không thuyên giảm.

Thêm vào đó, người bị bệnh lao có đặc điểm là mệt mỏi, ăn kém lại do rối loạn quá trình trao đổi khí ở phổi nên bị gầy sút cân. Gầy sút cân do lao diễn ra từ từ, vài tuần cho đến vài tháng. Đi kèm là hiện tượng gầy yếu và da xanh. Khạc đờm thường là ra đờm đặc và khó khạc…Nếu có những hiện tượng này, cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, việc phát hiện bệnh lao, điều trị sớm sẽ điều trị dứt điểm để cắt nhanh nguồn lây và việc điều trị lao tiềm ẩn sẽ cắt nguy cơ nhiễm thành bệnh. Nếu thực hiện phát hiện điều trị sớm, sẽ giảm được 10% số bệnh nhân mắc lao. Nếu thực hiện điều trị tiềm ẩn, sẽ giảm được 20%.

Tính trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ phát hiện khoảng 1.300 bệnh nhân lao kháng thuốc, chiếm 25% số lượng bệnh nhân của cả nước. Các tỉnh có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao như: An Giang 220 bệnh nhân; Đồng Tháp 150 bệnh nhân; Kiên Giang 130 bệnh nhân; Cần Thơ và Long An 100 bệnh nhân...

Hiện trên cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao. Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường, giúp tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Nhờ những nỗ lực đó, riêng trong năm 2018, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia có xu hướng giảm về số bệnh nhân lao các thể với 3.657 bệnh nhân.

Việt Nam đang hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Trong 10 năm qua, bệnh lao ở Việt Nam giảm được 31% (trung bình 3,8%/năm).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh lao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO