Không chủ quan với cúm mùa

ĐỖ HƯƠNG 20/08/2022 11:16

Thời gian gần đây, nhiều người bị mắc cúm mùa (trong đó có cúm A). Đáng lo hơn, có những người bị biến chứng viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển phải nhập viện cấp cứu.

Triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ em thường bị nhầm với cảm lạnh.

Cảnh giác với biến chứng

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mới đây, một bệnh nhân cúm A đã được chuyển từ Thanh Hóa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện trong tình trạng rất nặng. Qua khai thác bệnh sử xác định cách đây 2 năm, bệnh nhân phát hiện bị suy tủy, khiến cơ thể bị giảm hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu hạt. Do đó, bệnh nhân phải đi viện thường xuyên.

Thời điểm khởi phát cúm A, bệnh nhân có tình trạng sốt cao gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán: suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định đặt ống thở máy. Tuy nhiên, vì không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân cũng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện để điều trị.

BS Phạm Văn Phúc- Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin: "Bệnh nhân được chẩn đoán cúm A trên nền suy tủy. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị an thần, thở máy, sự sống phụ thuộc vào ECMO. Sau một ngày đặt ECMO, phổi của bệnh nhân đang có tiến triển hơn".

Nhận định về trường hợp này, BS Phúc cho biết, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ dễ diễn tiến nặng hơn người không có bệnh nền.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo các đối tượng sau nằm trong nhóm có nguy cơ diễn tiến nặng cao khi mắc cúm A:

- Tuổi trên 65.

- Bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu.

- Trẻ em dưới 2 tuổi.

- Phụ nữ mang thai…

"Để phòng tránh cúm A, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám", BS Phúc nhấn mạnh.

Khó phân biệt cúm với bệnh hô hấp khác

Ngày 8/8 vừa qua, Bộ Y tế thông báo hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa, bao gồm cả cúm A.

Thống kê cho thầy, thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố. Trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Từ đầu năm 2022 đến nay, số mắc cao nhất trong tháng 3/2022 (37.442 trường hợp mắc), tháng 2/2022 (28.199 trường hợp mắc), tháng 4/2022 (21.992 trường hợp mắc)… Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, cần liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hay khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi mắc bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cũng theo Bộ Y tế, gần đây một bộ phận người dân không đến các cơ sở y tế để khám bệnh mà tự mua và sử dụng sinh phẩm chẩn đoán để xét nghiệm và tự mua thuốc điều trị cúm mùa dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc, trang thiết bị y tế bất hợp lý…

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cũng lưu ý, người nghi mắc và mắc cúm không nên tự ý mua thuốc kháng virus cúm (Tamiflu) để điều trị, vì hiện thuốc chủ yếu sử dụng với người mắc cúm có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ gây kháng thuốc, làm mất khả năng điều trị khi bệnh tiến triển nặng.

Hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

7 tháng đầu năm nay, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho biết, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây, tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao như A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả. Hiện cũng chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với cúm mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO