Không có thí sinh dự thi Tuồng

Minh Quân 20/07/2017 08:00

Từ trung tuần tháng 7 các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) trên cả nước đã bắt đầu công tác tuyển sinh. Công tác đào tạo diễn viên nghệ thuật truyền thống lại lo không có đủ… thí sinh.

Một vở diễn sân khấu với đề tài lịch sử (Ảnh: Ngân Anh).

PGS TS NGƯT Nguyễn Đình Thi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh cho biết: “Năm nay trường vẫn đảm bảo tiêu chí tuyển sinh các ngành học.

Nhưng thú thực không phải riêng năm nay mà từ 10 - 15 năm trở lại đây, Khoa Kịch hát dân tộc gặp rất nhiều khó khăn. Bộ môn tuồng không có thí sinh đăng ký dự thi.

Bộ môn chèo và cải lương truyền thống có đông thí sinh đăng ký dự thi hơn cả, nhưng cũng chỉ là 15 thí sinh”. Cũng theo ông Thi, nhà trường và các nhà hát nhiều năm phải xuống các địa phương để tìm nguồn tuyển nhưng số lượng thí sinh đăng ký ngày càng ít. Có em giọng rất tốt, thanh, sắc đều được, nhưng gia đình dứt khoát không đồng ý, bởi họ lo sợ nghệ sĩ thì nghèo.

Cách đây 7 năm, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng đào tạo cho Nhà hát Tuồng Việt Nam 1 lớp trung cấp. Các em rất có tài năng.

Song cho tới thời điểm này, số em còn làm nghề chỉ khoảng 50 - 60%. “Thực trạng này tạo nên hồi chuông báo động về nguy cơ mai một tiến tới “xóa sổ” nghệ thuật sân khấu truyền thống nếu không gấp rút đào tạo nguồn nhân lực kế cận”- ông Thi cho hay.

Mặc dù, cuối năm 2015 Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” với nhiều ưu đãi thế nhưng dường như việc “trải thảm đỏ” kiếm học sinh vẫn là nhiệm vụ bất khả thi.

Theo đề án Bộ VHTTDL đã thí điểm giao việc trực tiếp tuyển sinh và thực hiện Dự án liên kết đào tạo giữa 4 đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đó là: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Trong đó, mỗi nhà hát được tuyển chọn đào tạo 30 học viên, bao gồm cả diễn viên và nhạc công để tạo ra nguồn lực trẻ kế cận, bù đắp vào số diễn viên đang dần đến tuổi nghỉ hưu.

Đặc biệt, Nhà nước sẽ chế độ ưu đãi giảm 70% học phí cho sinh viên theo học sân khấu truyền thống, hàng tháng có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác nhưng số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống vẫn ngày càng giảm.

NSND Hoàng Văn Đạt- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Nhà hát Cải lương Việt Nam tuy tuyển được số lượng học viên ít hơn chỉ tiêu, 15/25 người, và không tuyển được nhạc công nào, nhưng giờ đây 14 học viên (một em bỏ giữa chừng) đều bày tỏ rằng, nếu cho chọn lại vẫn sẽ chọn cải lương…

Phải nhìn thấy những khuôn mặt đầy hứng khởi khi các em vào nhà hát học trực tiếp từ các nghệ sĩ mới thấy công lao của chúng tôi được đền đáp xứng đáng”.

Hay như ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng thừa nhận đây vẫn là bài toán khó. Việc tuyển sinh, đào tạo diễn viên, nhạc công để tạo ra nguồn lực kế cận cho nghệ thuật tuồng vẫn luôn là việc làm khó khăn và nó đặc biệt khó khăn trong những năm gần đây.

Cho đến bây giờ, đó vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải. Không phải chúng ta không biết nguyên nhân, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp để giải quyết nguyên nhân ấy.

“Phải có những ưu đãi đặc biệt và cơ chế đặc thù thì mới bù đắp được những thiệt thòi mà các nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp phải, để họ yên tâm gắn bó với nghề. Chỉ khi có đủ nguồn nhân lực, có yếu tố con người thì công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của nghệ thuật sân khấu mới được gìn giữ, không bị mai một, thất truyền”- ông Tuấn nói.

Thực tế này là hồi chuông báo động về nguy cơ mai một tiến tới “xóa sổ” nghệ thuật sân khấu truyền thống, nếu không gấp rút đào tạo được nguồn nhân lực kế cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có thí sinh dự thi Tuồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO