Không còn là chuyện đồn thổi

Cẩm Thuý 29/08/2017 08:15

Không còn là dư luận đồn thổi nữa rồi, kết luận của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được công bố cho thấy hàng loạt sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Có nghĩa là thông tin xôn xao về một “lò ấp tiến sĩ” là có thật.

Theo bản kết luận thanh tra, trong vòng các năm 2015, 2016, 2017, Học viện đã chiêu sinh hơn 1.100 tiến sĩ, 4.800 thạc sĩ. Điều đáng nói là số lượng nghiên cứu sinh này vượt rất xa so với năng lực của Học viện (tính theo số lượng giảng viên cơ hữu).

Ở đây, khoan chưa bàn đến chất lượng đào tạo, chỉ nói riêng về số lượng đã cho thấy số lượng giảng viên cơ hữu không đảm bảo đủ để “dìu dắt”, hướng dẫn học viên.

Cho nên, mới dẫn đến tình trạng người hướng dẫn không cùng chuyên ngành với nghiên cứu sinh. Ví dụ, tiến sĩ ngành Kinh tế hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) chuyên ngành Quản lý giáo dục, hay một tiến sĩ ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 NCS ngành Dân tộc học…

Chưa hết, do tuyển sinh quá năng lực mà 1 giáo sư của Học viện phải hướng dẫn cùng một lúc rất nhiều NCS. Trong đó, đứng đầu là GS.TS Võ Khánh Vinh- Giám đốc Học viện hướng dẫn 12 NCS; PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương hướng dẫn 9 NCS; PGS.TS Hồ Sỹ Sơn hướng dẫn 9 NCS; PGS.TS Nguyễn Như Phát hướng dẫn 8 NCS; PGS.TS Bùi Quang Tuấn hướng dẫn 8 NCS…

Còn lại mỗi GS,TS cũng phải hướng dẫn tới 6, 7 học viên. Ví dụ: TS Phạm Hữu Nghị hướng dẫn 6 NCS; TS Đặng Quang Phương hướng dẫn 6 NCS; TS Hồ Ngọc Hiển hướng dẫn 6 NCS; TS Phí Vĩnh Tường hướng dẫn 6 NCS; TS Đặng Vũ Huân hướng dẫn 7 NCS…

Con số 12 NCS mà GS Vinh hướng dẫn trong một hai năm này có khi bằng cả đời hướng dẫn NCS của một giáo sư ở nước ngoài!

Cũng thật là hài hước khi theo kết luận của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều trường hợp NCS có bằng thạc sĩ chuyên ngành này lại được tuyển sinh tiến sĩ chuyên ngành khác. Tỉ lệ không đúng chuyên ngành nghiên cứu chắc chắn là rất lớn khi mà thanh tra chỉ kiểm tra xác suất 5 hồ sơ NCS thì có 3 hồ sơ có bằng thạc sĩ không phải là đúng ngành và theo ngành phù hợp. Ví dụ, NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, trúng tuyển nghiên cứu sinh ngành Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật, đã được cấp bằng tiến sĩ.

Một trường hợp khác tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý hành chính công trúng tuyển NCS ngành Luật hiến pháp và luật hành chính năm 2016. Kỳ lạ hơn nữa là có người tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ lại trúng tuyển NCS ngành Luật kinh tế...

Có rất nhiều sai sót được chỉ ra trong kết luận của thanh tra, nhưng điểm mấu chốt lớn nhất đã được nêu ở trên là Học viện đã tuyển sinh quá nhiều, vượt quá năng lực và chỉ tiêu cho phép. Học viện xứng với “danh hiệu”: Lò ấp tiến sĩ!

Từ cái sai đầu tiên là tuyển sinh ồ ạt, những hệ quả sau đó như là tất yếu: Dễ dãi đầu vào, luộm thuộm, cẩu thả và buông lỏng chất lượng đào tạo.

Trong vòng 3 năm tuyển sinh hàng nghìn tiến sĩ, những đề tài nghiên cứu hài hước như nghiên cứu “hành vi nịnh trong tiếng Việt” hay “hành vi giao tiếp của chủ tịch UBND xã với người dân”… mà dư luận đàm tiếu hồi năm ngoái đã phản ánh chất lượng đầu ra tiến sĩ của Học viện.

Trước khi có bản kết luận thanh tra này, năm 2016 khi được dư luận đưa ra mổ xẻ các đề tài tiến sĩ “khủng”, Học viện Khoa học xã hội thậm chí còn tổ chức họp báo thanh minh, dẫn ra các qui trình xét tuyển nghiên cứu sinh, qui trình hướng dẫn, thẩm định và chấm luận án tiến sĩ mà họ cho là rất chặt chẽ. Những cách giải thích mà ngay cả khi chưa có đầy đủ thông tin như hiện nay, dư luận đã thấy đó chỉ là những cách nói lấy được.

Câu chuyện đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội là một bằng chứng rõ ràng về chất lượng đào tạo tiến sĩ đáng báo động hiện nay.

Còn nhớ năm ngoái, các nhà khoa học ở Học viện Khoa học xã hội cho rằng 350 tiến sĩ một năm được đào tạo từ đây không phải là con số lớn so với tổng số hơn 90 triệu dân. Họ cũng đã nói rằng đất nước chúng ta đang cần nhiều tiến sĩ hơn nữa. Dĩ nhiên, nói như thế chẳng sai. Nhưng số lượng tiến sĩ chúng ta đang cần không phải chỉ là cái mác bên ngoài, không phải chỉ là một danh xưng. Cho nên, đất nước không cần chạy theo thành tích để nâng tổng số tiến sĩ trên tổng số dân.

Chất lượng nguồn nhân lực nước nhà để trở thành động lực phát triển phải được đào tạo khoa học và thực chất. Nếu không, chúng ta có một lượng tiến sĩ đông đảo mà khoa học nước nhà vẫn không phát triển, mà rất nhiều vấn đề trong thực tiễn đời sống vẫn không tìm được cách giải quyết khoa học và hiệu quả.

Một lần nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chất lượng đào tạo tiến sĩ với những đề tài nghiên cứu dễ dãi, tuyển sinh dễ dãi, hướng dẫn dễ dãi và cấp bằng dễ dãi mà bấy lâu nay vẫn được thêu dệt râm ran trong dư luận không phải là chuyện đồn thổi, qua bằng chứng rõ ràng của kết luận thanh tra từ một đơn vị đào tạo cụ thể là Học viện Khoa học xã hội. Nhưng đây chỉ là một đơn vị đào tạo, còn nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ khác nữa.

Đã đến lúc phải cần phải có cái nhìn thực chất hơn về vấn đề này. Nếu không chính các thầy, các cơ sở đào tạo đang làm rẻ rúng danh xưng tiến sĩ, bằng lối đào tạo dễ dãi. Làm khoa học mà không nghiêm túc thì bản thân các nhà khoa học chịu trách nhiệm đào tạo cũng đang hạ giá chính họ.

Hàng nghìn tiến sĩ được đào tạo từ “lò ấp tiến sĩ” trong mấy năm qua đang ở đâu và làm những gì rồi?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không còn là chuyện đồn thổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO