Không công khai dân khó giám sát

Hoàng Mai 07/09/2017 08:10

Phát biểu trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nhằm cho ý kiến vào Báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, ông Nguyễn Mai Bộ đưa ra một so sánh khá sốc: “Chúng ta đi thanh tra kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng”.


Ảnh minh họa.

Rồi, ông lấy ngay ví dụ trong báo cáo giám sát các công trình giao thông theo hình thức BOT và thẳng thắn nói: “Báo cáo này không chỉ ra trách nhiệm của bộ, ngành nào cả. Không phải là anh không tìm ra được mà anh không chỉ ra được đáp số. Như vậy là mất thế trận lòng dân. Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng”.

Trở lại với Báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ năm 2017 cho thấy: Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, ngành thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, trong đó: Qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 15 vụ, 8 đối tượng; qua công tác thanh tra 25 vụ, 25 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo 7 vụ 33 đối tượng.

Từ tháng 1/10/2016 đến tháng 31/7/2017, các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 282 vụ án, 628 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 195 vụ, 393 bị can); Đã kết luận điều tra 122 vụ, 355 bị can; hiện đang điều tra 145 vụ, 251 bị can. Cũng trong thời gian này, Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 241 vụ, 595 bị can về các tội danh tham nhũng.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50%; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 14,6%. Có 7 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016).

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỷ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314.000 USD và 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 5.110,9 tỷ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương ứng với số tiền 1.013,1 tỷ đồng.

Nếu chỉ nhìn vào số liệu thì rõ ràng kết quả công tác phòng chống tham nhũng cũng khá khả quan nhưng chính trong Báo cáo của mình, Thanh tra Chính phủ cũng phải nhận định: Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội...

Vậy thì, cái yếu ấy nằm ở đâu? ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng, điều mà Quốc hội, cử tri cần được cập nhật vào báo cáo là các đại án ngàn tỷ, các dự án BOT có vấn đề, các quan chức có vấn đề đã bị xử lý… “Lò nóng rồi mà không đưa củi vào thì lò sẽ tắt” - ông Kim nói và nhận định: Có 25 người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng trong nội bộ là con số không ai tin được. Né tránh quá nhiều!

Tình trạng nể nang, né tránh ấy trong đấu tranh chống tham nhũng ắt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Mà một trong những hệ lụy ấy là chậm hoặc không công khai minh bạch các kết quả thanh tra để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nói về tâm lý e ngại khi công khai các kết luận này: “Việc công khai kết luận thanh tra rất cần thiết để đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhưng nhiều ý kiến lại e ngại công khai kết luận thanh tra sẽ làm tình hình phức tạp. Không công khai sao người dân, cộng đồng giám sát được. Cái này luật đã quy định rồi, cần phải có chỉ đạo mạnh hơn trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói.

Điều mà Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu lên hẳn nhiên là ý kiến rất đáng lưu tâm khi chính Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng phải thừa nhận: Một trong những vấn đề quan trọng trong phòng chống tham nhũng là tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhưng phải nói rằng hiệu quả công khai, minh bạch chưa cao. Nếu thực hiện tốt vấn đề này thì sẽ giảm tiêu cực, tham nhũng rất nhiều. Lấy ví dụ vụ việc của PVC và cho biết, qua điều tra của cơ quan công an, các hoạt động như đấu thầu, chỉ định thầu đều có vấn đề. Hay là hoạt động ngân hàng, cho vay rất dễ dàng, vụ Oceanbank đang xét xử cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý. Chúng tôi cũng muốn nói vấn đề lợi ích nhóm, mấy vụ án đều có chuyện họ cầm nhiều tiền đi chia chỗ nọ, chia chỗ kia.

Luật đã quy định rõ, vấn đề là ai sẽ chỉ đạo việc công khai kết luận thanh tra để người dân và cộng đồng cùng chung tay giám sát. Và giám sát sao được khi chỉ với một kết luận thanh tra khối tài sản của một giám đốc sở- vốn gây ầm ĩ trong dư luận nhưng việc công bố kết luận thanh tra hoãn lên, hoãn xuống vài lần. Và trách nhiệm của người đứng đầu tại nơi xảy ra tham nhũng hay trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tham mưu trong phòng chống tham nhũng nên được nhìn nhận đến đâu? Điều này có lẽ sẽ là câu hỏi mở cho nhiều người.

Thẳng thắn hơn, ĐBQH Vũ Trọng Kim còn phải đưa ra nhận xét: “Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả.” Điều ĐB hỏi có lẽ cũng là băn khoăn của nhân dân. Băn khoăn về tính công khai, minh bạch trong thực thi các biện pháp phòng ngừa, cũng như đấu tranh chống tham nhũng.

Từ cuộc họp nhằm cho ý kiến vào công tác phòng chống tham nhũng tại Ủy ban Tư pháp mới thấy, nếu vẫn còn một cách nhìn xuôi chiều; vẫn một cách soạn báo cáo mà các nguyên nhân chỉ nêu chung chung, giải pháp không mang tính đột phá thì sẽ thật khó để đánh giá cho đúng tình hình tham nhũng đang trầm trọng đến mức nào. Không đánh giá đúng sẽ khó có thuốc chữa. Cho nên, không lấy làm khó hiểu khi, kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo trình QH theo hướng đưa ra các báo cáo, nhận định thật sự thuyết phục, có dẫn chứng và số liệu chứng minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không công khai dân khó giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO