Không đánh đổi tăng trưởng bằng tăng giờ làm

H.Vũ 24/10/2019 08:00

Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. Tăng thời gian làm thêm là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các ĐBQH. Đa số ĐBQH bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm.

Không đánh đổi tăng trưởng bằng tăng giờ làm

ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 23/10. Ảnh: Quang Vinh.

Đừng đặt gánh nặng lên vai người lao động

Liên quan đến mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến ĐBQH và đoàn ĐBQH đề nghị giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như hiện hành; có ý kiến tán thành việc mở rộng lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.

Theo bà Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

“Kế thừa quan điểm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu”-bà Anh cho hay.

Tuy nhiên, do hiện nay Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo đó phương án 1 quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động. Còn phương án 2 quy định nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất với tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động nhưng trong điều kiện thị trường lao động hiện khá khan hiếm sẽ buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) tranh luận lại và cho rằng cần phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Mà theo bà là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. “Chúng ta cần nhìn vào thực tế cuộc sống của người công nhân, nhìn vào những đứa trẻ phải xa cha mẹ chỉ vì cuộc mưu sinh, nhiều người đến 1, 2 năm chưa được gặp con”-bà Tâm nói và cho rằng người lao động không tự nguyện mà bị buộc phải làm thêm.

Từ đó, bà Tâm cho rằng vai trò của Quốc hội ở đây là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ sống, đủ trang trải cuộc sống để họ có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề và đặc biệt là có thời gian để giải trí, chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình.

Các đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu); Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc); Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Bùi Thị Hằng (Hòa Bình) cũng bày tỏ quan điểm nên giữ nguyên như quy định hiện hành. Từ kinh nghiệm từng công tác hơn 10 năm trong khối doanh nghiệp FDI, bà Thường cho biết đã chứng kiến nước mắt của không ít công nhân lao động. Xu hướng giảm giờ làm là yếu tố cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi để tăng năng suất lao động, sức lao động là thứ yếu còn chủ yếu là dựa vào máy móc công nghệ. Do đó nên giữ nguyên như Luật hiện hành, đồng thời giảm giờ lao động bình thường từ 48 giờ/năm xuống 44 giờ/năm

Thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu

Do còn có ý kiến khác nhau và là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, chính vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu. Theo đó phương án 1 quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Còn phương án 2 quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Qua thảo luận, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1. Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), phương án này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem đến các yếu tố lĩnh vực, ngành nghề cần được thiết kế linh hoạt hơn. Vì vậy cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, đối tượng lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học và giao Chính phủ quy định xem xét và có lộ trình tăng chậm hơn, không gây tác động đến thị trường.

Đồng tình phương án 1, song theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thời gian tăng nhưng không được quá 5 năm, kể cả các nhà khoa học vì phải tạo điều kiện cho người trẻ, những nhà khoa học trẻ. Nếu cứ có thầy của mình “ngồi trên”, họ sẽ không thể có cơ hội để phát triển.

Nên có lộ trình chuyển thời gian lao động

Đưa ra dẫn chứng xu hướng chung của các nước trên thế giới đều giảm giờ làm việc, bởi làm việc trên 40 giờ/tuần đem lại năng suất lao động không cao vì mệt mỏi, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nên có lộ trình chuyển thời gian lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần trong 10 năm tới và trước mắt nên xuống còn 44 giờ/tuần. Từ năm 2030, tức là thời điểm 100 năm thành lập Đảng có thể chuyển xuống còn 40 giờ/tuần. Làm thêm giờ để người lao động có thêm thu nhập, nhưng làm trên 40 giờ/tuần thì năng suất đem lại không tăng.

“Tăng năng suất lao động nguồn gốc phải là đổi mới dây chuyền công nghệ, chứ tăng giờ làm là giảm năng suất lao động vì mệt mỏi. Mục tiêu tăng giờ làm để tăng năng suất lao động thì trước tiên phải đổi mới công nghệ”-ông Nhân nêu rõ.

Chăm lo đời sống người dân như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, phương án tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống cho một bộ phận không lớn của người lao động vậy có đúng với mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mọi người dân đều có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành? Năm nay chúng ta vừa kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người thì càng phải nghiên cứu sâu sắc bài học này. Theo ông Hồng, chính sách đưa ra chưa có sự kết nối với người dân. Nhiều cử tri ý kiến nguyên nhân phát sinh về tội phạm, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em đau lòng thời gian qua chính từ sự thiếu quan tâm, chưa đủ điều kiện chăm lo đời sống con cái của người lao động, họ chưa có thời gian chăm lo cho gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đánh đổi tăng trưởng bằng tăng giờ làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO