Không để khan hàng, sốt giá

H.Hương 13/05/2021 07:00

Vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện trong dịch Covid-19 cũng như lâu dài.

Hà Nội đã chuẩn bị mọi kịch bản đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Linh.

Chủ động xây dựng nguồn hàng dự trữ

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh.

Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đã chủ động triển khai các kế hoạch về phòng chống Covid-19 trên địa bàn. Ghi nhận thị trường cho thấy, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, không khan hàng, “sốt” giá, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tại các siêu thị như: Big C, Co.op mart, lượng khách đến mua hàng có đông hơn do các chợ cóc, chợ tạm ngưng hoạt động. Song đáng chú ý, lượng hàng hoá mà khách hàng mua không quá nhiều, bên cạnh đó khách hàng đều tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng quy định và mua sắm nhanh chóng rồi ra về.

Chị Võ Thu Thuỷ (toà nhà The Pride Hà Đông, Hà Nội)cho biết, nhà chị vẫn mua đồ ở siêu thị. Cần đồ tươi sống thì mua trong ngày, hàng khô thì sắm nhiều hơn. Đồ siêu thị lúc nào cũng đầy đủ, nên chẳng phải mua nhiều trong khi giá cả ổn định.

Tại Hà Nội, Sở Công thương đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng hóa sản xuất ra. Lượng hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng. Lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Sở Công thương Hà Nội đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng.

Kiểm soát lạm phát

Trong chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về công tác điều hành giá trong thời gian tới, yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch.

Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Với công tác thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, lạm phát.

Chính phủ cũng sẽ điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để khan hàng, sốt giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO