Không để luật gây khó dân

Hoài Vũ 28/03/2018 12:15

Kinh tế được điều chỉnh bằng “đòn bẩy” của thị trường và “bàn tay” của Nhà nước. Điều đó thể hiện ở sự kiến thiết, thiết kế chính sách để các “đòn bẩy” có điểm tựa. Nếu pháp luật không có sự thông thoáng, tạo điều kiện sẽ trở thành lực cản của sự phát triển.

Là quốc gia có tốc độ phát triển bậc nhất trên thế giới, Nhật Bản có tới 99,7% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và coi đây là trụ cột, tạo động lực chính cho nền kinh tế phát triển. Do đó trong khung chính sách pháp luật đã có chính sách hỗ trợ tập trung cho khu vực này ngay từ những ngày đầu xây dựng lại đất nước sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự bứt phá của Nhật Bản được khởi nguồn cốt lõi từ việc “thiết kế chính sách” với một sự thông thoáng nhất định nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, đóng góp cho nền kinh tế quốc dân bởi “dân giàu thì nước mạnh”.

Ngày 26/3, một tư duy mang tính “cởi trói” đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng đưa ra khi tới kiểm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Tư pháp- cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ trong thẩm định các văn bản pháp luật. Tại đây, khi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp lưu ý kiên quyết cắt giảm các điều kiện kinh doanh chung chung, vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu.

Bộ trưởng Dũng đưa đến một thông điệp cần tiếp tục rà soát, những gì chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết thì bỏ. Bởi những quy định chung chung thì doanh nghiệp rất khó làm việc. “Những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu. Ví dụ như quy định thời gian tập sự hành nghề luật sư nhưng không nói rõ thời gian bao lâu, quy định có kinh nghiệm tư pháp quốc tế nhưng không quy định rõ bao lâu là có kinh nghiệm?”-Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói và nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là bỏ các điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở cửa. Chúng ta phải đảm bảo quốc phòng an ninh, sức khỏe, an toàn. Nhưng không vì lý do đó mà chúng ta đưa ra điều kiện tạo rào cản vô hình và hữu hình. Và việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chính là dư địa tăng trưởng.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Tổ Công tác thẳng thắn cho rằng: “Rà soát toàn bộ quy định liên quan để phát hiện bất kể quy định nào cản trở không hợp lý, gây ách tắc hoạt động kinh doanh thì chủ động kiến nghị bãi bỏ chứ không chỉ tranh luận đâu là điều kiện kinh doanh để rà soát. Điều kiện kinh doanh chỉ là phương thức quản lý nhà nước truyền thống và lâu đời. Chúng ta không nên đồng nhất quản lý nhà nước phải đặt ra điều kiện kinh doanh để nhằm hạn chế gia nhập thị trường và cạnh tranh”.

Dư địa tăng trưởng được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thay lời Thủ tướng truyền đạt đến chính là “khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp” bằng việc loại bỏ các quy định phi lý, những rào cản kỹ thuật mang nặng tính “bôi trơn”, những quy định chung chung trừu tượng đang được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho cán bộ thực thi pháp luật sách nhiễu người dân, doanh nghiệp bằng những khoản chi phí không chính thức hàng giờ, hàng ngày đặt lên bàn doanh nghiệp làm cản trở môi trường đầu tư kinh doanh. Thuế, và hải quan là hai lĩnh vực liên quan trực tiếp hàng ngày nhưng doanh nghiệp vẫn bị “chèn dưa” của một quy luật “bất thành văn” bất chấp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư với mức ưu đãi cụ thể nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra lại từ chối áp dụng những ưu đãi này, thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và phạt do kê khai sai thuế.

“Do quy định của pháp luật thuế thay đổi liên tục và không thể rõ ràng trong mọi tình huống nên việc áp dụng chính sách thuế cần dựa trên tính hợp lý và đạo lý thuế. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp cơ quan thuế không thực sự xem xét về đạo lý mà căn cứ vào hình thức hoặc vì áp lực về số thu mà có những áp đặt và diễn giải theo cách có lợi cho người thu thuế hơn là nhìn vào bản chất của giao dịch”-là lời nói thẳng băng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được bà Hương Vũ, Trưởng nhóm công tác thuế và hải quan đưa ra để nêu lên những bất cập trong thực thi chính sách thuế.

Mới đây khi trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận: “Trong 2 năm qua, qua kiểm tra 9.415 văn bản, Bộ đã phát hiện, kiến nghị xử lý 301 văn bản trái pháp luật, nhất là một số thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, nghị quyết của HĐND, UBND cấp tỉnh”. Khó có thể ước tính được 301/9415 văn bản trái luật gây thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp như thế nào? Nhưng rõ ràng đó là một thiệt hại không hề nhỏ cho nền kinh tế. Nếu như quy định ghi tên các thành viên gia đình vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một sự “ấu trĩ” trong tư duy lập pháp thì khó có thể chấp nhận trong một ước lượng không thể tính toán. Và không phải ngẫu nhiên, liên quan đến các điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ 43 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 44% đây chỉ là lượng hóa tiêu chí đơn thuần, vẫn còn nhiều rào cản trong việc gia nhập thị trường. Do đó thời gian tới cần cần tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh.

“Đầu vào” của luật chính là người thiết kế những chính sách, điều khoản quy định. “Đầu vào” có tốt, thông thoáng thì “đầu ra” mới thuận lợi, mang lại hiệu quả tích cực. Có lần, khi trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động-Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã nhắc đến, thể chế quyết định vấn đề phân bố các nguồn lực sử dụng lao động. Vấn đề quan trọng nhất của mỗi quốc gia chính là vấn đề nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước vì nhóm này nghĩ ra các thể chế, cơ chế chính sách trong quá trình điều hành. Theo bà Hương, yếu tố chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý nhà nước là “chìa khóa của mọi chìa khóa” vì tác động đến vấn đề sử dụng phân bố nguồn nhân lực, tạo ra các khuôn khổ pháp luật. Nếu chất lượng không tốt sẽ tạo ra chính sách gây hạn chế, chia cắt. Bản thân họ cũng là nhân lực thừa hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nhưng khi tài, đức chưa đủ thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng chung trong năng suất lao động.

Do đó, nếu “chìa khóa của mọi chìa khóa” không được “tái cơ cấu” thì những quy định trong luật vẫn chỉ là viện dẫn cho một kiểu “chèn dưa”, một sự vòi vĩnh bất thành văn gây cản trở doanh nghiệp, người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để luật gây khó dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO