Không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau

Tuệ Phương 12/08/2019 16:59

Ngày 12/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 chủ trì hội thảo.

Không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, 6,56% phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) không biết đọc, biết viết; 33% nữ sinh DTTS đi học PTTH đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản; tỷ lệ phụ nữ tham chính ở 4 cấp khá khiêm tốn... Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ DTTS nói riêng.Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển vùng DTTS và miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện triển khai trong thực tiễn và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra những thành tựu to lớn làm thay đổi căn bản đời sống của DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. 

Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể các chính sách hiện hành cho thấy, nhiều chính sách chưa được quan tâm lồng ghép giới, hoặc nếu có lồng ghép giới thì mờ nhạt, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của phụ nữ và nam giới, dẫn đến những hạn chế trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ những chính sách này; có chính sách cho phụ nữ nhưng tổ chức thực hiện và nguồn lực còn rất khiêm tốn chưa tạo ra đột phá trong giải quyết những vấn đề giới đang tồn tại trong vùng DTTS và miền núi.

Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau” được tổ chức với mục tiêu thu thập những căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất, kiến nghị với Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 24 điều chỉnh, định hướng chính sách vùng DTTS có trách nhiệm giới và đảm bảo bình đẳng giới đối với phụ nữ DTTS; đồng thời, nghiên cứu tổng hợp ý kiến để tham gia phản biện đối với Dự thảo “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2015, định hướng 2030”.

“Với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội.Họ đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới.Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Để đảm bảo sự công bằng, các chính sách cần hướng tới những cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là những nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo nhất, ở những vùng xa xôi, cách trở nhất”, bà Thu Hà chia sẻ.

Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết,tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có địa hình kinh tế đặc biệt khó khăn, cộng đồng cư dân sống biệt lập.Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, không tiếp cận được các phương tiện truyền thông đại chúng.Đây là rào cản lớn trong công tác tuyên truyền xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.Vấn đề mấu chốt là cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật và vận động, tư vấn, hỗ trợ... để giúp đồng bào nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, bao quát toàn diện về những vấn đề liên quan đến phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam. Đề cập đến những cơ chế điều phối để đạt được hiệu quả cao hơn về chính sách dân tộc và miền núi, bà Trương Thị Mai cho rằng, qua 15 năm thực hiện, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt về thể chế. Thể chế ở đây chính là việc xây dựng chính sách, pháp luật sao cho thật tốt.

“Chúng ta có 118 chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc, miền núi,mặc dù nguồn lực thực hiện có thể chưa đủ.Qua 15 năm, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bao quát hơn và có thêm nhiều nguồn lực để xây dựng xã hội.Qua nhiều năm thực hiện, đến thời điểm này bắt buộc phải rà soát, sắp xếp lại.Trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia sắp tới sẽ chỉ còn 2 chương trình.Mục đích của việc thu gọn các chương trình này để tập trung thực hiện cho đậm nét hơn, cô đọng hơn, đỡ giàn trải hơn trong thực hiện chính sách”, bà Mai nói.

Đặc biệt, trong 15 năm qua, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển rất mạnh, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dần.Tỷ lệ nghèo giữa khu vực thành thị và miền núi được rút ngắn lại. Việc làm này có tác dụng to lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững quốc phòng an ninh và phát triển đất nước. Để chính sách sát với thực tiễn thì phải xuất phát từ thực tiễn, không để chính sách ngồi trên bàn giấy. Cơ hội để đồng bào bình đẳng rất quan trọng như phải được đến trường đúng tuổi, được có cơ hội khám sức khỏe…Việc thực hiện các chính sách cho đồng bào DTTS tiếp tục được tính toán để tránh sự ỷ lại để người nghèo vươn lên mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong cuộc sống.Để làm được điều này thì vấn đề giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu.Giáo dục chính là cơ hội, là chìa khóa để xóa nghèo”, bà Mai nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO