Không để tín dụng đen hoành hành

MINH THỦY 25/12/2022 08:02

Ngày 24/12, thông tin từ Công an Bình Phước cho biết đã tạm giữ Lê Thái Bình Vương, đối tượng cho vay nặng lãi “khủng”. Cụ thể, Vương đã bỏ ra 2,38 tỷ đồng cho 18 người vay với lãi suất từ 109% đến 730%/năm.

Bẫy tín dụng đen giăng khắp nơi.

Tàn bạo tín dụng đen

Đây là vụ cho vay nặng lãi, hay còn gọi là bẫy tín dụng đen với lãi suất cực cao. Qua khai báo ban đầu, số tiền Vương đã cho những người vay là 515 triệu đồng nhưng đã thu lãi hơn 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những vụ cho vay lãi với giá cắt cổ được phát hiện. Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết, các nhóm tội phạm tín dụng đen càng hoạt động mạnh.

Trước đó, ngày 15/12, Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết đã tạm giữ hình sự về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đối với các đối tượng Đoàn Hiếu Hùng (trú tại phường Yết Kiêu, Hà Đông, có 4 tiền án, 6 tiền sự); Đỗ Minh Trung (trú tại Phúc La, Hà Đông) và Nguyễn Xuân Bách (trú tại phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, có 1 tiền án).

Chỉ huy Công an quận Hà Đông cho biết, triển khai cao điểm tấn công, đấu tranh, trấn án tội phạm, tệ nạn xã hội bảo vệ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, đơn vị đã tập trung điều tra, nắm chắc toàn bộ các cơ sở, đối tượng có biểu hiện cho vay tài chính trên địa bàn; dù có đăng ký kinh doanh hay không treo biển, thậm chí hoạt động trên mạng xã hội, để xử lý sớm.

Với 3 đối tượng nêu trên, từ tháng 4/2022, đã mở cửa hàng kinh doanh tài chính treo biển hiệu “Tài chính sinh viên” tại phố Ao Sen (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), thực hiện hành vi cho vay lãi ngày, "bốc bát họ”. Theo đó, Trung quản lý sổ sách, tiền. Bách và Hùng tìm khách vay, hướng dẫn khách và thu tiền. Với hình thức “bốc bát họ”, Hùng cắt lãi trước tỷ lệ 10 ăn 8, trả trong 50 ngày, tương ứng lãi suất 146%/năm. Với hình thức vay lãi ngày, tùy từng khoản vay, Trung tính lãi suất từ 3.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương ứng lãi suất cao nhất lên đến 182%/năm.

Tài liệu điều tra xác định cho đến khi bị bắt, ổ nhóm này đã giao dịch hàng tỷ đồng.

Được biết, người vay nóng tín dụng đen chủ yếu là công nhân, sinh viên, những người cần tiền gấp nhưng không vay mượn được đành tìm tới tín dụng đen. Tuy nhiên, họ không lường hết được mức lãi phải trả rất cao. Chậm trả còn bị các đối tượng xã hội đen khủng bố. Chúng liên tục "réo tên" đòi nợ, thậm chí bị bôi nhọ, vu khống, xúc phạm danh dự người vay trên mạng xã hội, đe dọa hành hung người vay nợ lẫn người thân của họ… Nhiều người bị tín dụng đen khủng bố đã tìm cách bỏ trốn nhưng bị truy đuổi, hành hạ một cách dã man, tàn bạo.

Tín dụng đen là gì và hoạt động tín dụng đen bị phạt thế nào?

Tín dụng đen được hiểu là hình thức cho vay tiền (hoặc tài sản khác) với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật; được tiến hành bởi các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được cấp phép của nhà nước.

Bằng nhiều phương thức liên lạc, trao đổi, cho vay tín dụng đen thường đơn giản, nhanh chóng. Những hình thức cho vay tín dụng đen phổ biến hiện nay là vay qua các App trên điện thoại hoặc qua các trang Web online; cho vay qua Zalo, Facebook (nhiều trường hợp lừa đảo); cho vay núp bóng dưới danh nghĩa các công ty tài chính…

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất tối đa được áp dụng khi cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng cho vay là 20%/năm, tương đương khoảng 1,67%/tháng.

Như vậy, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn theo quy định là vi phạm pháp luật. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ.

Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất khi vay tín dụng đen đều vượt gấp nhiều lần mức quy định cao nhất, có khi hơn cả trăm lần.

Luật pháp quy định sẽ xử phạt vi phạm hành chính với hộ kinh doanh, tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay vượt quá lãi suất 20%/năm nhưng chưa đến mức lãi suất 100%/năm theo Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng cho vay vượt quá lãi suất từ 100%/năm trở lên theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chế tài được cho là đã đủ mạnh, nhưng các nhóm tín dụng đen vẫn hoành hành. Điều đó cho thấy việc quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm. Càng gần Tết, hoạt động tín dụng đen càng mạnh hơn, vì thế cơ quan chức năng càng cần theo sát đối tượng này để hạn chế thấp nhất bi kịch cho người túng bấn mà phải tìm đến những cơ sở, cá nhân cho vay nặng lãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để tín dụng đen hoành hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO