Không để tội phạm lộng hành

Cao Đình 30/06/2016 09:21

Tại hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, do Bộ Công an tổ chức tại TP.HCM mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Công an đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, thực hiện các giải pháp mang tính đột phá trong phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, sử dụng công nghệ cao, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn lậu, trốn thuế, các đường

Không để tội phạm lộng hành

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo ngành Công an, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức mang tính băng nhóm xã hội đen, tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho xã hội đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải có những giải pháp thích ứng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong thời gian nói trên, Bộ Công an đã điều tra khám phá 21.055 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 42.716 người, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng; triệt phá 1.061 băng, nhóm tội phạm; bắt 4.820 vụ cờ bạc, xử lý 21.523 người. Ngoài ra, lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 9.760 vụ phạm tội ma túy, 14.890 người, thu giữ 209,766 kg heroin, 425,573 kg và 105.653 viên ma túy tổng hợp, 491,16 kg cần sa; phát hiện, xử lý 9.441 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế...

Những con số đó phần nào cho thấy sự lộng hành của tội phạm. Câu hỏi đặt ra là: Chặn đứng bàn tay phạm tội của chúng như thế nào? Trước hết, chủ công chính là ngành Công an.

Tuy nhiên trong tình hình nhiều thành phố lớn đang gia tăng dân số cơ học theo luồng chuyển dịch lao động từ nông thôn về các đô thị, từ các địa phương đổ tới các thành phố lớn mà trong đó có sự lợi dụng trà trộn của tội phạm; cùng với việc biến chất của một số lao động khi về thành phố..., thì lực lượng chống tội phạm với biên chế và trang bị như hiện nay là không đủ.

Đây là một thực tế cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp hữu hiệu. Bởi lẽ, nhìn nhận đúng vấn đề thì mới hy vọng có giải pháp trúng. Tăng cường biên chế cho ngành Công an cũng như trang bị phương tiện hiện đại cho lực lượng này là việc cần làm ngay để nâng cao hiệu quả công tác trấn áp tội phạm.

Tất nhiên, điều sâu xa hơn là cần ngăn ngừa tội phạm, không chỉ trừng phạt khi tội phạm đã hoàn thành mà phải diệt cái ác, phải làm cho cái ác không có điều kiện nảy nở.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ Công an sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó sẽ rà soát lại các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để bổ sung, chỉnh lý phù hợp với diễn biến của tình hình, nhất là tình hình vi phạm về môi trường; tập trung đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật; triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trấn áp ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm tội phạm đâm thuê, chém mướn, thanh toán trả thù lẫn nhau; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng, tội phạm lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ở một góc nhìn khác, nhân dân là lực lượng hết sức đông đảo. Vấn đề là không để người dân rơi vào vị thế chỉ là nạn nhân của các loại tội phạm, mà phải là những người tích cực, chủ động tham gia trấn áp tội phạm cùng với những lực lượng chức năng.

Thực ra người dân không bàng quan nhưng từ nhiều vụ việc cụ thể, không ít người đã nảy sinh tâm lý e sợ, do bọn tội phạm một khi ra tay trả thù thường rất tàn độc.

Từ đó, thêm một câu hỏi: Người dân được bảo vệ ra sao một khi họ tự nguyện làm tai mắt cho lực lượng chức năng trong tiễu trừ tội phạm? Tại hội nghị ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành Công an đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan sai.

Thực hiện các giải pháp mang tính đột phá trong phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, sử dụng công nghệ cao, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn lậu, trốn thuế, các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, mệnh lệnh, quy trình công tác Công an nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết đấu tranh với tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Rõ ràng để không cho tội phạm lộng hành, cần có sự kết hợp của các yếu tố, đó là sức mạnh và trang bị của Công an cần được tăng cường; tiếp tục xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “hết lòng ,hết sức phụng sự nhân dân”, là lực lượng chuyên nghiệp đi đầu trong việc thượng tôn luật pháp, và yếu tố còn lại chính là tai mắt của người dân, là sự vào cuộc của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để tội phạm lộng hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO