Không để xuất khẩu gạo bị gián đoạn

QUỐC ĐỊNH – ĐẠI DƯƠNG 16/11/2021 07:15

Xuất khẩu gạo đang lấy lại đà phục hồi, các doanh nghiệp (DN) liên tục nhận được đơn đặt hàng từ phía khách hàng nước ngoài. Song song với tín hiệu tích cực  đó, không ít DN tỏ ra lo ngại về tính bền vững của hoạt động này do thương hiệu gạo của Việt Nam đang bị lợi dụng để trục lợi.

Cơ hội để tăng tốc

Theo ông nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc một DN chuyên xuất khẩu gạo tại Vĩnh Long, trong những tháng cuối năm 2021, công ty sẽ có những hợp đồng xuất khẩu gạo lớn, dự kiến mỗi tháng khoảng 25 ngàn tấn gạo. “Có nghĩa là đơn hàng tăng gấp đôi so với quý III/2021, hiện các đơn hàng vẫn đang tiếp tục đổ về rất nhiều” - ông Hiếu phấn khởi nói.

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện nay chính quyền tỉnh Vĩnh Long đang ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở các nhà máy chế biến lúa gạo và trong các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện tối đa để những nhà máy này dần phục hồi công suất sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại Cần Thơ, sau vài tháng gián đoạn do tác động từ dịch bệnh, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đang chuẩn bị xuất hơn 20.000 tấn gạo thơm sang thị trường Hàn Quốc. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty chia sẻ, đây chính là cơ hội để cho các DN lúa gạo tăng tốc xuất khẩu những lô hàng mà các tháng trước đó phải giãn cách, phải tạm ngưng. “Một số khách hàng nước ngoài truyền thống của các DN xuất khẩu gạo cũng tiếp tục nối lại những đơn hàng mới để chuẩn bị cho dịp lễ Noel sắp tới và cho năm 2022”, ông Bình cho biết.

Tìm hiểu của phóng viên về tình hình hiện nay cho thấy, các DN ngành gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có đà phục hồi sản xuất và xuất khẩu gạo khá tốt. Nhiều nhà máy chế biến gạo hiện cũng đã đạt 70% công suất trước dịch.

Theo giới chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý IV/2021 và dự báo trong năm tới vẫn đang có dấu hiệu tích cực khi nhu cầu lương thực của nhiều nước tăng cao. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam phải thể hiện được tính cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ gạo quốc tế. Thực tế cho thấy, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng lên, tuy nhiên tăng đến mức nào thì vẫn chưa có con số cụ thể. Song, điều rõ nhất là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng cao hơn so với trước đây.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá trung bình xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 529 USD/tấn, tăng tới 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Trường hợp thương hiệu gạo ST25 ngon nhất thế giới của Việt Nam vốn đã rất thành công trong 2 năm qua và trở thành thương hiệu gạo quốc tế, nhưng trong năm 2021 này lại đang dấy lên nỗi lo về chuyện gạo Việt mất quyền thi gạo ngon nhất thế giới.

Kịp thời chấn chỉnh vi phạm thương hiệu

Dù chỉ khoảng hơn nửa tháng nữa là đến thời điểm cuộc thi gạo ngon nhất thế giới (The World’s Best Rice) năm 2021 sẽ diễn ra. Tuy nhiên, việc gạo Việt Nam có được dự thi hay không vẫn đang rất mù mờ vì các vấn đề liên quan đến câu chuyện vi phạm những quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Điều này được cho là hệ quả của việc vô tư vi phạm bản quyền thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 của một số DN.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NN&PTNT cần lên tiếng với những cam kết mạnh mẽ để cộng đồng quốc tế biết là Việt Nam không chấp nhận kiểu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền thương hiệu đối với thương hiệu gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, gạo ST25 vốn dĩ là niềm tự hào của gạo Việt nhưng do cách quản lý chưa tốt, khiến cho uy tín thương hiệu của gạo Việt bị ảnh hưởng trên trường quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh, nhằm tiếp tục nâng cao thương hiệu gạo Việt trên bản đồ thế giới. Bởi lẽ, việc đoạt được các giải thưởng quốc tế chính là cơ hội để đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới nhằm góp phần giúp xuất khẩu được tốt hơn với giá trị gia tăng cao hơn.

Ngoài chuyện thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế, cách đây 2 tháng, một số DN phản ánh, đã bỏ lỡ hợp đồng xuất khẩu gạo thơm sang thị trường EU trong năm nay khi chưa được cấp giấy chứng nhận đảm bảo tính đúng giống gạo thơm, để hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các DN đánh giá việc này do các DN còn gặp vướng mắc ở khâu kiểm tra tính đúng giống gạo thơm tại đầu mối là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thực hiện. Doanh nghiệp muốn được Cục Trồng trọt cấp giấy xác nhận thì phải có giấy kiểm tra đồng ruộng từ trung tâm này.

Đại diện một DN xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết, các DN hầu như không thuê trung tâm này đi kiểm tra vì bất cập, phiền hà cũng như phát sinh chi phí, dẫn đến việc Cục Trồng trọt chưa cấp giấy xác nhận bất cứ đơn hàng nào của gạo thơm Việt Nam. Điều này, đã làm lãng phí 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam đáng lẽ được hưởng thuế suất bằng 0% sang thị trường EU chỉ vì những khúc mắc ở ngay trong nước.

Từ chuyện bỏ lỡ xuất khẩu gạo thơm sang EU để tận dụng ưu đãi thuế quan cho đến nỗi lo gạo Việt mất quyền thi gạo ngon nhất thế giới cho thấy, chính sách quản lý cần được làm tốt hơn nhằm giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để xuất khẩu gạo bị gián đoạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO