Không đúng lúc

Lê Anh Đức 11/04/2020 08:00

Khi mà đại dịch Covid-19 đang hoành hành, việc các tập đoàn, tổng công ty cả trong và ngoài quốc doanh chung tay với Chính phủ hỗ trợ nhân dân là việc hết sức đáng quý và nên làm. Song, cũng đừng vì thế mà đã lại tính đến lợi ích của doanh nghiệp mình. Nếu vậy sẽ mất hết cả lòng tốt, lại mang tiếng là “cò kè bớt một thêm hai”, trong bối cảnh cả nước dốc lòng chống dịch.

Sau khi dự kiến giảm 10% giá điện cho người dân được mấy ngày thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lại có đề xuất “xin” Chính phủ xem xét, yêu cầu Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc giảm giá bán than. Không chỉ vậy, EVN còn xin miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020.

Nếu là lúc “sóng yên biển lặng” thì chẳng nói làm gì, song nay cả nước đang gồng mình lên chống đại dịch Covid-19 hết sức căng thẳng thì yêu sách của EVN có thể nói là không đúng lúc. Trong lúc này làm gì có doanh nghiệp nào, lĩnh vực gì không bị ảnh hưởng giảm doanh thu, giảm lợi nhuận.

Những cũng thật đáng nói khi không chỉ có EVN xin Chính phủ hỗ trợ, mà còn một vài “ông lớn” khác cũng… xin. Nếu vậy thì thử hỏi khi làm ăn phát đạt các “ông lớn” này thực sự đóng góp được bao nhiêu cho đất nước. Mà cứ cho là đóng góp nhiều đi chăng nữa, thì lúc khó khăn chung này, sao không phát huy nội lực mà lại quay sang kêu khó? Nếu doanh nghiệp nào cũng kêu khó, bị thua lỗ, không thể trang trải chi phí do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, liệu Chính phủ có đủ nguồn lực để “cứu” tất cả những “đứa con” này không? Chỉ cần mỗi doanh nghiệp nhà nước “xin” 1.000 tỷ đồng thôi thì liệu ngân sách nhà nước liệu có lo toan được?

Vào thời điểm người dân đang lao đao, khốn khổ vì đại dịch Covid-19, những doanh nghiệp này rất nên phải chịu “thiệt” một chút, chủ động đề xuất các phương án hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống. Như vậy mới xứng danh là những “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước thực sự. Hơn lúc nào hết, chính vào lúc này, rất cần có sự đóng góp của họ.

Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo phòng chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ cũng đang hết sức khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực. Nếu ví ngân sách nhà nước như một cái bánh, thì sẽ phải chia ra nhiều phần để dành cho nhiều việc, nhiều ngành, chứ đâu thể một ngành, một lĩnh vực muốn bao nhiêu cũng được. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước cần phải hiểu rõ điều đó để có cách hành xử sao cho phù hợp, đừng quá lố.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tư nhân dù đang hết sức khó khăn vì tác động của đại dịch Covid-19 vẫn sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với người dân. Có nhiều doanh nghiệp không ngần ngại cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ dùng khả năng và nguồn lực của mình để kéo giảm giá thịt lợn xuống, không để người dân phải mua đắt khi thu nhập suy giảm. Cũng có doanh nghiệp chấp nhận hòa hoặc lỗ vốn để tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân...

Thử hỏi các doanh nghiệp tư nhân có quan tâm đến lỗ lãi hay không, họ có muốn thu được càng nhiều càng tốt không? Tất nhiên là có, bởi “đi buôn là phải ăn lãi, đừng có cãi mất công”. Song, họ biết đâu là điểm dừng, biết lúc nào cần phải kìm nén ham muốn cá nhân, biết lúc nào không thể kiếm tiền mà phải cho đi. Đó không chỉ là đạo đức, mà còn là nghệ thuật kinh doanh. Vậy nên các doanh nghiệp nhà nước nếu lỡ đã “xin” Chính phủ hỗ trợ cần phải nhìn các doanh nghiệp tư nhân, và cũng phải nhìn nhân dân của mình để tự vượt khó. Đó mới là hành động đúng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đúng lúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO