Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém

H.Mai - H.Vũ 18/11/2017 08:10

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH về việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, sáng 17/11.


ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chất vấn tại Hội trường, ngày 17/11. (Ảnh: Quang Vinh).

Xử lý nghiêm đã không để xảy ra đại án

ĐB Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) đặt vấn đề: Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phải áp dụng biện pháp xử lý mua bắt buộc với giá O đồng đối với 3 ngân hàng hoạt động yếu kém, đã thu hồi được một phần nợ xấu. Tuy nhiên, các ngân hàng này đều âm vốn chủ sở hữu rất lớn, không đủ điều kiện để triển khai một số hoạt động kinh doanh như một ngân hàng bình thường.

Để có thể xử lý dứt điểm các tồn tại yếu kém và phục hồi các ngân hàng này đòi hỏi phải có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp và cần đủ dài vậy những biện pháp hỗ trợ đó là gì? Còn ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị, Thống đốc làm rõ về giải pháp căn cơ không để xảy ra những vụ đại án trong các ngân hàng lớn vì ngân hàng là lĩnh vực tưởng chừng như chặt chẽ nhất nhưng lại xảy ra các vi phạm. Các vụ việc sau thanh tra nhưng xử lý, đôn đốc xử lý chưa triệt để, nếu xử lý nghiêm đã không để xảy ra các vụ việc lớn như vậy, và làm sao để nâng cao chất lượng giám sát?

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong Luật Sửa đổi bổ sung các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ ngân hàng mua bắt buộc được phép vay đặc biệt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bán cho VAMC nhưng quan điểm không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý ngân hàng yếu kém. Quy định như vậy để đảm bảo công khai minh bạch, và trong đó quy định được áp dụng các biện pháp hỗ trợ nào để xử lý các ngân hàng yếu kém. “Vừa qua cũng đã xử lý nghiêm minh cho nên đã tạo được sự răn đe, và hy vọng sẽ chấp hành tốt hơn quy định của pháp luật”- Thống đốc cho biết.

Tại sao chưa xử lý dứt điểm sở hữu chéo?

Theo ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), tình hình sở hữu chéo và xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn lợi ích nhóm trong các TCTD cổ phần đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vậy nguyên nhân khiến các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần chưa được xử lý dứt điểm và định hướng trong thời gian tới để xử lý dứt điểm các vi phạm này? Trả lời, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện đang đẩy nhanh tiến độ xử lý sở hữu chéo thông qua mua lại, hợp nhất cổ phần của các TCTD.

Hiện ngành đã giải quyết cơ bản, nhóm cổ đông lớn đã được nhận diện và kiểm soát chặt. Cho đến nay không còn sở hữu chéo nhiều như trước nữa, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn, số cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 cặp xuống còn 2 cặp, số TCTD có cổ phần chiếm trên 50% trước là 19%, giờ còn 4%. “Chính phủ đang trình Quốc hội Luật Các TCTD, trong đó có sửa đổi, xác định cổ đông đích thực, tăng cường năng lực điều kiện, tiêu chuẩn của Ban quản trị hội đồng thành viên cho chặt chẽ, rồi giới hạn cổ đông cổ phần thao túng cổ đông chi phối. Cho nên nếu thông qua luật sẽ xử lý tốt hơn”- Thống đốc nói.

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hoà Bình) đặt vấn đề, thời gian qua đã xảy ra một số vụ gian lận liên quan đến hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Vậy Ngân hàng Nhà nước đã xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán?

Trả lời, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường tính bảo mật, đẩy mạnh thanh tra kiểm tra các hệ thống thẻ, phối hợp với Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân hành vi gian lận và cảnh báo cho người dùng thẻ nâng cao tính bảo mật trong thanh toán để ngăn ngừa hành vi xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO