Không dung túng tham nhũng

Hoàng Mai 06/10/2016 10:10

Ngày 20/10 tới đây, QH khóa XIV sẽ khai mạc kỳ họp thứ hai. Ngay trước thềm kỳ họp, tiếp xúc cử tri, nhiều ĐBQH đang giữ trọng trách lớn, là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề lớn của xã hội. Nhưng nhiều nhất vẫn là chống tham nhũng làm sao cho hiệu quả?

Ngay trong sáng 4/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri các quận 1,3 và 4. Tại đó, cử tri của TP mang tên Bác đã thẳng thắn đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nêu rõ quan điểm chống tham nhũng, xử lý các đối tượng tham nhũng. Cũng như thế, trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây của Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư; nhiều lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo hai đầu tầu kinh tế lớn của đất nước, thì vấn nạn tham nhũng cũng là chủ đề nóng.

Thực ra, vấn đề tham nhũng đã được nói nhiều tại các diễn đàn khác nhau: Trong các cuộc họp của Quốc hội, của Chính phủ và trong cả các cuộc họp của BCH Trung ương Đảng. Sự đề cập về vấn đề tham nhũng chủ yếu là xác định rõ, công khai chuyện có lợi ích nhóm, có chuyện vơ vét tiền của ngân sách, của nhân dân vào túi cá nhân; nhưng quan trọng là việc bàn giải pháp chống tham nhũng. Và quan trọng hơn cả là, chống tham nhũng sao cho hiệu quả và sao cho không như chuyện “ném đá ao bèo”.

Tham nhũng đã trở thành vấn đề nhức nhối, nó làm yếu đi nền kinh tế đất nước nhưng nguy hiểm hơn cả là nó khiến dân mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo trong đó chủ yếu là đảng viên. Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nhắc đến trong phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, đến Đại hội Đảng lần thứ XII, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí không chỉ được đề cập trong phần xây dựng Nhà nước mà còn được đề cập trong phần xây dựng Đảng; với hàm ý khá rõ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương khóa XI trình bày tại Đại hội XII của Đảng đã không ngần ngại chỉ rõ thực trạng: “Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu”.

Vậy thì, vấn đề đặt ra là làm sao để chống tham nhũng thật sự hiệu quả? Trong bối cảnh mà tham nhũng ở nơi này, nơi khác đã tìm kế “sâu rễ, bền gốc” trong nội bộ cơ quan, đơn vị với những mối quan hệ đan xen lợi ích chằng chịt mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng có lần trao đổi với cử tri Hà Nội: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Vì vậy, Đảng đặt ra yêu cầu, các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí.

Trong đó, Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra một số giải pháp mới để thực hiện nội dung này như việc, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Thực tế, chúng ta đã chuẩn bị cho việc sửa Luật Phòng, chống tham nhũng với một trong những điểm nhấn về quy định về kiểm soát tài sản của quan chức, lãnh đạo.

Riêng cơ chế kiểm soát kê khai tài sản thu nhập thì chúng ta đã làm nhưng mới chỉ làm được một nửa- đó là kê khai mà chưa thật sự công khai rộng rãi. Về vấn đề này, trả lời Đại Đoàn kết, ĐBQH khóa XIII, ông Lê Như Tiến đã từng đề cập đến nhiều cái lợi của công khai tài sản cán bộ như: Công khai để dân kiểm soát; vì tài sản bất minh không phải như “cây kim sợi chỉ”. Và, dân mà giám sát thì dễ phát hiện tài sản nào là tham nhũng hay bất minh; rồi chuyện chống chuyển giao tài sản bất minh… Những ý kiến đều nên được nhìn nhận, xem xét thấu đáo.

Trở lại câu hỏi nhức nhối được cử tri đưa ra với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngay tại cuộc tiếp xúc cử tri cách đây 2 hôm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi tham nhũng, lãng phí là quốc nạn, là giặc nội xâm. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hàng trăm vụ án kinh tế tham nhũng, những đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh.

Không dừng lại ở đó, trong cuộc họp cuối tuần trước của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ) do Tổng Bí thư đồng thời là Trưởng BCĐ chủ trì, BCĐ đã quyết định đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, trong đó có những vụ đình đám thuộc lĩnh vực ngân hàng và cố ý làm trái của các “ông lớn” có gắn mác Tập đoàn, Tổng Công ty như vụ việc ở Vinashin…

“Đảng và Chính phủ đang, còn và sẽ tiếp tục chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, tuyên chiến, kiên trì đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Chúng tôi coi đây là giặc nội xâm, ảnh hưởng sự tồn vong của nước ta” - Chủ tịch nước khẳng định với cử tri.

Quan điểm không khoan nhượng với tham nhũng, tham ô chắc chắn được cử tri đồng lòng nhưng cử tri cũng chắc chắn muốn và cổ vũ một điều: Phải thật sự đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng. Dân tin, với quyết tâm, chúng ta sẽ ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được tham nhũng và dân chắc chắn cũng rất muốn góp phần vào công cuộc ấy thông qua sự giám sát của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không dung túng tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO