Không được để đứt gãy nền kinh tế

H.Vũ 26/07/2021 07:39

Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Hội trường Ảnh: Quang Vinh.

Chống dịch nhưng không được thái quá, cực đoan

ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, quyết liệt phòng, chống dịch nhưng không được thái quá, cực đoan. Thời gian qua nhiều địa phương có cách làm khoa học, sáng tạo trên cơ sở đánh giá dịch bệnh, đã ra biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng kinh tế, người dân.

“Nhưng có một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn. Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định”, bà Thủy chỉ rõ.

Theo bà Thủy, cả nước như một cơ thể sống, không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, đứt gãy nền kinh tế. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm tình trạng vi phạm vừa qua để khắc phục tâm lý nhờn, coi thường quy định chống dịch. Những khó khăn của đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng gia đình, doanh nghiệp.

Đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng

Báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, triển khai các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng với các đối tượng. Riêng việc thực hiện Nghị quyết 42, gói 62.000 tỷ triển khai trong điều kiện chưa có tiền lệ, trong thời gian gấp gáp tuy kết quả sau cùng chưa được như mong muốn nhưng cả nước đã hỗ trợ 39.000 tỷ cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó tiền mặt là 13.000 tỷ. Cơ quan chức năng đã đề xuất để sớm tổng kết việc thực hiện gói 62.000 tỷ, đề xuất giải pháp chính sách thực hiện tiếp theo.

Do đó, quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là kịp thời, hợp lòng dân. Chính phủ cần triển khai phần mềm thống kê liên thông để rà soát nhanh chóng đến với người thụ hưởng, đồng thời tránh bỏ sót, trùng lặp. Chính phủ cũng cần đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp hiện nay để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020 thực hiện chưa kịp thời, khi mới giải ngân được 36% tổng mức dự kiến. Lần này Chính phủ xây dựng gói 26.000 tỷ đồng thủ tục thông thoáng hơn là cần thiết nhưng với gói hỗ trợ an sinh lại khác, bởi khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ, việc xác định tính đúng đắn là trách nhiệm của cơ quan công quyền, khi xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên công nhận tính đúng đắn.

“Chính sách hỗ trợ giúp người dân đi qua khó khăn, nên hành xử cũng phải nhân văn với những chính sách đặc biệt. Khẩn cấp là cần thiết để ứng phó với Covid-19, song cần khống chế thời hạn thực hiện; mặt khác, cũng cần xác định cụ thể trách nhiệm để không xảy ra trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước”, bà Mai cho hay.

Chống lãng phí để có thêm nguồn lực chống dịch

ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, Chính phủ đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cơ bản khống chế dịch bệnh và hỗ trợ người dân. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, GDP đạt 5,64% là nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực. Nông lâm thủy sản tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát đã củng cố niềm tin cho nhân dân.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao, điều đó cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng của dịch giải ngân chỉ đạt 0,62%.

Bên cạnh đó năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ớt. Bình quân mỗi tháng trong nửa đầu năm nay có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều cùng kỳ. Trong đó, 622 doanh nghiệp vốn trên 100 tỷ đồng rút khỏi thị trường. Bình quân 3.836 doanh nghiệp thành lập mới, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.

Vì thế theo ông Tiến, Chính phủ cần nghiên cứu, giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn có cơ hội phục hồi, bứt phá thời gian tới.

Theo ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình), cần phải có giải pháp lâu dài vì có thể phải sống chung với dịch bệnh. Bên cạnh các giải pháp chiến lược vaccine + 5K, điều trị, nâng cao trách nhiệm xã hội cần phải có các kịch bản cụ thể của các cơ quan nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, không để đứt gãy sản xuất.

Đặc biệt theo bà Tâm, các cơ quan nhà nước phải tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn tài chính cho phòng, chống dịch Covid -19. “Hiện tượng lãng phí vẫn còn phổ biến. Nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Cử tri cho rằng, lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng”, bà Tâm nói.

Các sản phẩm rau quả có tăng giá

Liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Dịch phát triển quá nhanh nên lúc đầu có xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ. Bên cạnh đó, do cung ứng hàng hóa đứt gãy chuỗi cung ứng, các chợ đầu mối bị đóng cửa nên lúc đầu có việc người dân ồ ạt đi mua hàng tích trữ nên có việc thiếu hàng. Tuy nhiên đến nay cơ bản không còn thiếu hàng dù hàng hóa có tăng giá chút ít ở các sản phẩm rau quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không được để đứt gãy nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO