Không gian hồ Gươm: Có nên xây dựng tuyến đường danh nhân?

Hương Lê - Hoàng Minh 21/02/2017 08:00

Hà Nội tổ chức triển lãm các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm để lấy ý kiến người dân từ cuối tháng 1/2017. Theo đó, nằm sát cạnh hồ Gươm, phần vỉa hè phía Tây trục phố Đinh Tiên Hoàng kéo dài từ tháp Hòa Phong tới nghi môn đền Bà Kiệu được đề xuất xây dựng “Tuyến đường danh nhân” - được cho là giống như Đại lộ Danh vọng ở Mỹ. Tuy nhiên, PGS.TS Hà Đình Đức lo ngại: Chuyện tiếp thu văn minh, văn hóa của các nước là đáng khuyến khích nhưng phải cân nhắc, lựa chọn điều đó xem có ph

Tháp Hòa Phong bên hồ Gươm. Ảnh: TL.

Một đoạn phố Đinh Tiên Hoàng kéo dài từ tháp Hòa Phong tới đền Bà Kiệu nằm sát hồ Gươm (Hà Nội) đang được đề xuất cải tạo thành “tuyến đường danh nhân” kiểu Đại lộ Danh vọng ở Mỹ.

Chọn ai để ghi danh?

Ý tưởng này được đề xuất trong đồ án Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm trưng bày tại Trung tâm thông tin Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội) từ cuối tháng 1/2017, để lấy ý kiến dư luận trước khi tiếp tục hoàn thiện.

Theo đó, khu vực tháp Hòa Phong được đề xuất hình thành điểm dừng chân lát đá hoặc gốm gợi nhớ lại hình dáng chùa Báo Ân. Tuyến đường danh nhân dự kiến sẽ được lát đá màu xám sẫm chống trơn trượt và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Danh sách do TP Hà Nội quyết định.

Ngay sau khi ý tưởng tuyến đường ghi danh được đưa ra, Công ty Cổ phần Đầu tư AMD đã có đề xuất lên UBND TP Hà Nội xin đầu tư tuyến đường này dưới hình thức BOT. Theo thỏa thuận, AMD sẽ bỏ tiền ra xây dựng sau đó kinh doanh, còn phương án kinh doanh sẽ xem xét dựa trên những ý kiến đóng góp của nhiều bên.

Ý tưởng hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. PGS.TS Hà Đình Đức, người đề xuất ý tưởng xây dựng km số 0 tại hồ Gươm phân tích: Việc đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đường danh nhân cũng phải rất thận trọng. Bởi lẽ, hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, là khu vực linh thiêng và nhạy cảm…

Thời gian qua việc bảo vệ không gian văn hóa hồ Gươm đã được đề cập rất nhiều. Hơn thế, bắt chước Hollywood là không nên. Chuyện tiếp thu văn minh, văn hóa của các nước là đáng khuyến khích nhưng phải cân nhắc, lựa chọn điều đó có phù hợp với văn hóa Việt Nam hay không? Có hợp với thuần phong mỹ tục và có được người dân ủng hộ hay không? Theo ông, đối với người Việt Nam, ghi tên danh nhân trên đường để rồi mọi người đi qua dẫm chân lên sẽ là không phù hợp.

Một điều quan trọng nữa, theo PGS.TS Hà Đình Đức, ngay cả việc tìm danh nhân nào xứng đáng để ghi tên vào tuyến đường danh nhân cũng là cả một vấn đề. Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, biết bao nhiêu danh nhân đã đóng góp để xây dựng đất Thăng Long. Vậy sẽ chọn ai, ai sẽ là người được chọn để ghi danh trên đoạn đường từ tháp Hòa Phong tới đền Bà Kiệu. “Tôi cho là không thể làm được”- ông Đức nhấn mạnh.

Còn KTS Ngô Doãn Đức- Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ: Việc đưa ra việc xây dựng tuyến đường danh nhân như vậy cũng được, tuy nhiên phải hết sức cẩn thận. Ví như việc khắc tên, ghi tên như thế nào để không bị nhom nhem. Ngay tháp Hòa Phong đã bị viết nhiều tên rồi, bây giờ nói ghi danh là như thế nào? Bảng chữ, khắc tượng hay là khắc chữ… Còn phải tính đến tôn vinh ai? Ở giai đoạn nào? Thời kỳ nào?

Chung tâm tư với PGS.TS Hà Đình Đức, KTS Ngô Doãn Đức cũng băn khoăn rằng việc xây dựng tuyến đường sẽ rất phức tạp. Rằng câu chuyện văn hóa của một đất nước văn minh thì phải cẩn trọng hơn. Ghi tên ông này lại không ghi tên ông kia, phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chứ không thể làm ẩu, phân biệt hay ưu tiên ở đây được.

Thế nên để tôn vinh xứng tầm những người đóng góp cho công cuộc phát triển của Thủ đô, đất nước trước hết phải có cuộc tìm kiếm, làm cho rõ, không ưu tiên, hết sức khách quan nếu không sẽ dẫn tới nhiều tình trạng thiếu công bằng, đố kỵ hay những hành động không được thiện cảm chỉ bởi vì xây dựng một “đại lộ Danh vọng”.

Nên làm ở chỗ khác

Nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: Quan điểm của tôi là ủng hộ xây dựng một “đại lộ danh vọng”, nhưng không phải là ở hồ Gươm. Lý do là hồ Gươm hiện nay đã quá chật chội, quá đông đúc, việc xây dựng một tuyến đường vinh danh những người nổi tiếng ở đây là không phù hợp.

Theo tôi, chúng ta nên tìm những vị trí khác để xây dựng. Đó là những con đường rộng rãi, sang trọng vừa tiện cho việc tham quan cũng như là địa điểm vui chơi, giải trí cho mọi người. Việc chọn địa điểm hồ Gươm không hợp lý còn bởi trong tương lai địa điểm này sẽ còn xây dựng ga tàu điện ngầm dẫn tới mật độ người dân tại đây sẽ tăng cao. Nếu có thêm “đại lộ danh vọng” sẽ dẫn đến sự quá tải và làm mất đi ý nghĩa, giá trị của không gian văn hóa hồ Gươm. Ông Tiến đề xuất xây dựng “đại lộ danh vọng” ở phía Tây của Thành phố.

Các chuyên gia cũng trăn trở về việc thương mại hóa con đường “danh vọng” ấy. Bởi nếu biến không gian đi bộ quanh hồ Gươm thành hợp đồng BOT càng không hợp lý. Việc Hà Nội tổ chức phố đi bộ quanh hồ Gươm và khu vực phố cổ đã và đang tạo thành thói quen cho người dân vào mỗi dịp cuối tuần.

Nay nếu xây dựng tuyến đường danh nhân có thu phí, tức là thương mại hóa một không gian đẹp sát hồ Gươm sẽ rất phản cảm, hơn thế còn gây ách tắc giao thông. Do đó cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và lắng nghe những ý kiến tham vấn phản biện từ cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gian hồ Gươm: Có nên xây dựng tuyến đường danh nhân?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO