Không gian mới của nghệ thuật đương đại

Thư Hoàng 11/06/2017 08:30

Không hẹn mà gặp, 2 không gian nghệ thuật vừa ra mắt trong tuần qua tại Hà Nội đã mở ra cho công chúng cơ hội thưởng thức nghệ thuật đương đại. Đồng thời, đây cũng là nơi những người trong giới có không gian để trưng bày, mà nói như họa sĩ Thành Chương, là “một giấc mơ mà chúng tôi đã nghĩ là không thể trở thành hiện thực”.

Khách tham quan Gallery Đông A.

1. Họa sĩ Thành Chương bày tỏ điều ấy khi ông bước vào Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) rộng tới gần 4.000 m2 nằm ở số 72 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Nguyên câu, Thành Chương nói: “Anh em nghệ thuật chúng tôi rất cảm ơn vì mô hình trung tâm như thế này chúng tôi mong mỏi, trông chờ từ lâu, từ hết thập niên này đến thập niên khác. Đó là một giấc mơ mà chúng tôi đã nghĩ là không thể trở thành hiện thực mà giờ lại hiện hữu thế này. Người làm nghệ thuật cảm kích lắm và tạo động lực để người nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm xứng tầm”.

Còn họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi thấy một Trung tâm nghệ thuật lớn với các điều kiện hiện đại thế này. Với tư cách Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi đánh giá cao sự ra đời của Trung tâm này”.

Trung tâm VCCA là nơi hội tụ những nghệ sĩ, cá nhân và tổ chức cùng hướng đến mục tiêu đóng góp và xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam đương đại. VCCA sẽ hoạt động theo chu kỳ 4 mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông theo từng chủ đề triển lãm cùng chuỗi hoạt động giáo dục, trải nghiệm nghệ thuật. Khởi đầu hoạt động của VCCA là triển lãm Tỏa kéo dài 2 tháng, từ 6/6 đến 6/8.Là mùa gặp gỡ đầu tiên của các nghệ sĩ đương đại - Tỏa là nơi hội tụ của những cuộc đối thoại Đông – Tây, những lập ngôn không lời và những nguồn cảm hứng hòa quyện để lan tỏa.

Trong đó, công chúng sẽ được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kích thước lớn của Bùi Hải Sơn, Trương Tân và Nguyễn Mạnh Hùng cùng những tác phẩm mới của Phạm Đình Tiến, Võ Trân Châu, Lê Hoàng Bích Phượng, Phi Phi Oanh, Trần Văn Thảo, Nguyễn Quang Huy, Lê Thừa Tiến, Đặng Xuân Hòa và Hà Trí Hiếu.

2. Không gian nghệ thuật thứ hai, là Đông A Gallery do họa sĩ Trần Đại Thắng vừa khai trương tại địa chỉ 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Lâu nay, phố Nguyễn Thái Học nổi tiếng là phố tranh chép của Hà Nội, nhưng bằng việc ra mắt Đông A Gallery, vẻ như họa sĩ Trần Đại Thắng đang muốn định dạng lại tiếng tăm cho con phố này.

Tại đây đang diễn ra cuộc trưng bày 33 tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ trẻ đương đại: Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lương Đức Hùng, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn. Trong số 33 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày dịp này, có 28 tác phẩm hội họa và 5 tác phẩm điêu khắc. Mỗi nghệ sĩ trẻ đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện rất khác nhau. Sự kiện nghệ thuật này đưa gương mặt các nghệ sĩ trẻ đương đại đến gần hơn nữa với công chúng.

“Đông A Gallery không chỉ trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ trong nước mà sẽ nhập khẩu tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nước ngoài, đồng thời cũng đưa các nghệ sĩ này tới giao lưu với các nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật trong nước”, họa sĩ Trần Đại Thắng- Giám đốc Đông A Gallery chia sẻ.

Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật này còn là nơi giới làm nghề cũng như công chúng có thể tìm thất những cuốn sách nghệ thuật quý của thế gới, tượng và các sản phẩm khác.

“Bằng việc cam kết mua lại các tác phẩm hội họa do mình bán ra với giá tối thiểu bằng 40% giá ban đầu, một điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, Đông A Gallery sẽ mang lại một quan niệm mới cho công chúng yêu nghệ thuật cũng như các nhà sưu tập rằng các tác phẩm lúc này không đơn thuần chỉ để thưởng thức mà còn là một tài sản vật chất có giá trị, có thể đầu tư, sinh lợi và lưu giữ. Đó là xu hướng tất yếu, đã diễn ra tại các quốc gia phát triển, và sẽ diễn ra tại Việt Nam”- họa sĩ Trần Đại Thắng nói.

3. Chứng kiến sự ra đời của những trung tâm nghệ thuật đương đại mới, họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, đó là một hướng đi đúng đắn, góp phần làm phong phú đời sống mỹ thuật hiện nay.

“Điều khá thú vị là những trung tâm này không phải xuất phát từ các Hội nghề nghiệp hay cơ quan nhà nước, mà là của các doanh nghiệp tư nhân. Đó là tín hiệu vui của mỹ thuật Việt Nam đương đại”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Theo vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, lâu nay vấn nạn tranh giả đã làm đau đầu nhiều cơ quan quản lý, nhiều nhà sưu tập, nhiều họa sĩ. Vì vậy, việc ra đời của Đông A Gallery sẽ góp phần định dạng lại thị trường tranh Việt Nam, để tranh Việt được tôn vinh, được tỏa sáng.

Với việc lựa chọn một thế hệ nghệ sĩ được ví như “tầng 3” của mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Đại Thắng đã gửi gắm một ẩn ý sâu xa, đồng thời cho thấy “con mắt xanh” của người làm nghề.

“Điều này cho thấy Trần Đại Thắng có cái nhìn riêng, để muốn kể câu chuyện bên trong của thế hệ mình”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét và nói thêm, những gương mặt nghệ sĩ như Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú… là tia hi vọng mới, mở ra trang mới của mỹ thuật Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gian mới của nghệ thuật đương đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO