Không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo

H.Vũ (thực hiện) 13/07/2021 09:46

Tại hội nghị Trung ương 3, Trung ương đã cho ý kiến Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, muốn công việc “chạy” thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, mỗi giai đoạn đều gắn với thời kỳ phát triển mới, có nhiều vấn đề mà công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng phải theo kịp. Cho nên việc tại Hội nghị Trung ương 3, Trung ương đã xem xét cho ý kiến Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là điều vô cùng cần thiết.

Ông Vũ Quốc Hùng.

PV:Là cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về việc tại hội nghị Trung ương 3, Trung ương cho ý kiến về Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Trong cuộc sống, tất cả các lĩnh vực đều phải được kiểm tra, giám sát. Mọi quốc gia đều coi công tác kiểm tra, giám sát là việc quan trọng của các tổ chức lãnh đạo. Nếu muốn công việc “chạy” thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Đảng ta cũng xác định kiểm tra, giám sát là việc vô cùng quan trọng.

Cho nên sau thành công của Đại hội XIII, Đảng tiếp tục cho ý kiến về Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Bởi mỗi thời điểm, hoàn cảnh, nhiệm kỳ đều có sự thay đổi mới. Cho nên công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cũng phải thích ứng. Kiểm tra, giám sát để phát hiện và uốn nắn những sai trái. Nghĩa là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đã phát hiện sai phạm thì phải kỷ luật, xử lý để loại bỏ những sai trái. Cho nên giám sát để phát hiện những cái “chớm sai trái”.

Lần này Trung ương cho ý kiến về Quy định về thi hành Điều lệ Đảng. Đó có phải là bước để cụ thể, làm rõ hơn, hay bổ sung thêm, thưa ông?

-Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; quyết định không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh, thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng. Điều lệ Đảng là “khung”.

Những khái quát chung về Điều lệ Đảng đã có, bây giờ cần hướng dẫn, cụ thể hóa Điều lệ Đảng. Ngay riêng vấn đề kiểm tra có Chương 7 và Chương 8. Công tác kiểm tra không phải của Ủy ban Kiểm tra các cấp mà là của tất cả các cấp ủy. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói chỉ tiêu 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 để thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình thực hiện thì có cái đúng, có cái sai.

Ví như các biểu hiện tư tưởng cá nhân, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm; hoặc có thể không có ý đồ nhưng do trình độ kém nên vẫn để xảy ra những sai sót. Cho nên việc xử lý cũng phải “thấu lý, đạt tình”, do đó cần cụ thể Điều lệ Đảng để phù hợp với điều kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra với rất nhiều điểm mới.

Chỉ có kiểm tra mới biết những lỗ hổng để còn sửa đổi. Ngoài “kiểm tra” còn có “giám sát”, vì giám sát như camera theo dõi, còn “kiểm tra” là tuân theo các quy trình chặt chẽ hơn “từ A đến Z” và ban hành kết luận. Giám sát để mang tính phòng ngừa là chính. Cho nên bắt đầu từ đại hội XI, bên cạnh “kiểm tra” đã có thêm vấn đề “giám sát” là như vậy.

Để công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cá nhân ông có lưu ý điều gì?

-Tôi cho rằng cấp uỷ phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tập trung kiểm tra, giám sát đối tượng là cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý, trước hết là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách, đầu tư công, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ.

Bây giờ công tác kiểm tra giám sát được hoàn thiện, xem xét đầy đủ, quy định rõ ràng. Sai lầm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cho nên công tác kiểm tra rất quan trọng, bởi kiểm tra, giám sát kịp thời sẽ nhận thấy sai phạm của đảng viên, lãnh đạo các cấp. Vì vậy công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, toàn diện, khách quan, công khai và dân chủ. Coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kiểm tra đột xuất và theo chuyên đề. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới phát huy vai trò, vị trí quan trọng.

Như vậy càng phải đặt ra vấn đề bản lĩnh của người làm công tác kiểm tra, giám sát, thưa ông?

-Kiểm tra, giám sát được ví von như “quét nhà”. Nay chỗ này, mai chỗ khác nhưng tổng thể thì sân và nhà phải sạch. Có chổi, có quy trình quét nhưng người quét nhà “lười”, hoặc đại diện cho nhóm lợi ích, nhát gan, không dám đụng đến ai để giữ ghế thì mọi thứ sẽ “chung chung”, dĩ hòa vi quý. Cho nên chọn người làm công tác kiểm tra, giám sát là điều rất quan trọng.

Tại các kỳ họp Quốc hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn có Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Thời đang công tác, bao giờ sắp sửa họp Quốc hội, tôi cũng cử người sang xin bản dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Những tình tiết được Mặt trận nêu ra, phản ánh, chúng tôi đều theo dõi. Mặt trận có vị thế rất lớn. Giám sát và phản biện của Mặt trận làm cho khối đại đoàn kết tốt hơn. Do vậy bên cạnh kiểm tra giám sát của Đảng, thì Mặt trận cũng cần tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO