Không nên quá khắt khe

TS. Nguyễn Quốc Toàn 31/05/2017 10:05

Dư luận những ngày qua có nhiều ý kiến bàn luận về tỉ lệ học sinh giỏi ở bậc tiểu học được cho là quá nhiều, nhất là sau phát biểu của Giáo sư Văn Như Cương khi có hàng nghìn hồ sơ học sinh nộp vào trường dân lập của ông. Vậy, nhiều học sinh giỏi đáng mừng hay đáng lo?

Học sinh tiểu học. Ảnh minh họa.

Mấy hôm nay thấy báo chí viết nhiều về việc phụ huynh chạy đua, mua giải, thành tích cho con. Báo đăng phát biểu của GS Văn Như Cương là GS hoảng vì thấy quá nhiều bộ hồ sơ toàn điểm 10, đầy thành tích nộp vào trường của ông.

Một nhà giáo dục học khác đánh giá đó là bảo “chạy thành tích” như thế là dạy trẻ con nói dối. Rồi một nhà báo phát biểu là đi “mua tương lai” cho trẻ. Nhiều độc giả thi nhau vào bình luận lên án phụ huynh là dạy con dối trá sớm, nào là thất vọng với Bộ GDĐT, nền giáo dục.v.v.

Tôi thì thấy mấy nhận xét của các vị thật là khắt khe. Nó vừa phản khoa học, vừa quá cay nghiệt đối với phụ huynh chúng tôi, và với cả con trẻ nữa. (Cho tôi xin lỗi khi viết như thế này, với tất cả lòng kính trọng dành cho GS Văn Như Cương và các nhà báo, nhà giáo dục khác).

Đáng ra chúng ta và các vị chủ trường phải rất tự hào khi có nhiều học sinh giỏi nộp vào trường mình chứ? Trường có tốt thì phụ huynh, học sinh mới muốn vào. Và tất nhiên là chỉ những học sinh khá giỏi mới dám nộp vào đấy. Mà những bạn khá giỏi thế thì điểm tốt và thành tích tốt là đương nhiên.

Có gì phải hoảng với việc nhìn thấy 1.000 học bạ hoàn hảo trong 4.000 học bạ nộp vào một trường khá nhỉ? Tôi thấy thế còn ít. (Bạn thử xem hồ sơ nộp đơn vào các trường nổi tiếng ở Mỹ, hay chỉ xem ở trường Hà Nội Amsterdam hay Trần Đại Nghĩa mà xem, có khi cả 100% ấy chứ).

Thế cho nên, việc những trường tốt mà có nhiều hồ sơ tốt nộp vào không phải là tín hiệu xấu gì cả. Nó là chuyện đương nhiên. Có gì mà phải thoảng thốt với lo lắng. Trong thống kê, người ta gọi là “selection bias”. Chúng ta đôi khi chọn mẫu sai rồi phát biểu khái quát hoá cứ như thật.

Thứ hai, dĩ nhiên trẻ em bây giờ, đặc biệt là các em ở thành phố như Hà Nội và TP HCM, cũng giỏi thật. Chẳng có gì lạ khi thấy nhiều hồ sơ có thành tích học và thể thao tốt ở khu vực thành phố cả. Kinh tế gia đình khá giả, bố mẹ có điều kiện, nên chắc chắn là các em được đào tạo khá toàn diện. Có em nào con nhà trung lưu mà không được đi học đàn, chơi thể thao, và tham gia các cuộc thi.

Thực ra, chúng rất chủ động học, chơi và thi đấu. Tôi chưa bao giờ nghĩ là bố mẹ lại “ép” được con học hành, chơi thể thao và thi đấu được cả. Các bạn trẻ thế hệ thiên niên kỷ, đặc biệt là ở thành phố, có “chính kiến” lắm. Đâu có phải “ép” chúng nó mà được. Không tin các phụ huynh thử về “ép” con mình xem, các bạn ấy “bật” lại ngay.

Chuyện nhiều thành tích thể thao và điểm số cao cũng là dễ hiểu thôi. Ngày trước các thầy cô quá “ki bo” điểm 9-10. Thế hệ chúng tôi học muốn nản luôn. Ai đời, học văn mà được điểm 7 đã là giỏi lắm rồi. Thế có nản không? Bảng điểm mà 8.0 là xuất sắc. Sao phải khắt khe thế. Nên giờ, phổ điểm thoáng hơn, nếu chúng xứng đáng được 9-10 thì có cả lớp được cũng đâu có sao nhỉ? (Từ khi giảm tải chương trình học và các thầy cô bớt khắt khe đi, thì điểm 9-10 nhiều cũng đâu phải là chuyện lạ).

Hơn nữa, tiếc gì con trẻ cái giải thưởng, bằng khen, sự trân trọng nhỉ? Giỏi thì được giải nhất. Vừa thì giải nhì, ba. Chưa đạt thì khuyến khích. Sao mà phải chắc lép với trẻ? Thi cấp trường có thành tích cấp trường, quận có cấp quận, thi thành phố có thành tích của thành phố. Các trường ở nước ngoài cũng không khắt khe hạn chế giải thưởng cho con trẻ. Cứ thi là có giải. Giải khuyến khích cũng là giải. Đấy là sự trân trọng nỗ lực của các con cơ mà?

Điểm thấp, ít giải thưởng thì kêu là khó. Có nhiều giải thưởng thì lại bảo là lạm phát, mua bằng, mua giải. Bạn có biết là thi Olympic Quốc tế, bao nhiêu phần trăm thí sinh có giải thưởng không? Trên 50% nhé.

Điều thứ ba, các nhà giáo dục và nhà báo khả kính lại mắc sai lầm khái quát hoá: Có bao nhiêu người giả dối trong cuộc chơi thành tích này? Tôi nghĩ luôn có nhưng chắc chắn không nhiều. Thưa các vị: phụ huynh chúng tôi đã đủ tiền mà trả cho con học trường tư tốt, đầu tư cho con luyện thi lớp điểm thì chúng tôi cũng đủ liêm sỉ và kiêu hãnh để không đến nỗi phải “chạy bảng điểm” hay “mua thành tích” cho con chúng tôi.

Có bao nhiêu người vô liêm sỉ đi trả tiền “mua giải” cho con? Có bao nhiêu người dại dột đến mức con không biết bơi mà kiếm giải bơi cho con? Số đấy rất rất ít! Vậy đừng nhìn thấy thành tích ngoại khoá, điểm số con chúng tôi tốt mà lên án phụ huynh ép con, đi chạy giải hay “mua” tương lai. Đó là sự xúc phạm với chúng tôi và cả con trẻ.

Và cuối cùng, bọn trẻ nó có học nhiều, thi như thụi, kiếm thành tích để vào được trường danh giá thì là điều rất tốt mà. Chúng đã biết chuẩn bị cho tương lai. Sao phải xót thương ghê thế? Cuộc đời có bao giờ nhàn hạ, thành công có bao giờ dễ đến đâu mà cứ phải lên án và lo lắng quá. Bảng điểm tốt và thành tích ngoại khoá chính là một trong những chỉ số tốt cho thấy bạn có nghiêm túc với cuộc đời và tương lai bạn hay không. Đố ông/bà nào lười mà thành công được!

Tóm lại, tôi sẽ chẳng nặng nề với chuyện thành tích cao, ngoại khoá và điểm số tốt gì hết. Tôi thấy rất mừng. Chí ít thì phụ huynh đã biết cần phải đầu tư toàn diện cho con, chứ không cắm mặt vào mỗi việc học. Chí ít thì thể thao, ngoại khoá sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục của các con. Cuộc đua này chắc chắn sẽ mỏi mệt và không dễ dàng nhưng sẽ có nhiều người chiến thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không nên quá khắt khe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO