Không phải lót tay

Hoài Vũ 12/12/2016 11:14

Thời gian qua, khiếu kiện đất đai luôn nóng. Đây là vấn đề phức tạp, tồn đọng với nhiều nguyên nhân. Trong nhiều hội thảo về khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là ở đây có sự “bắt tay nở nụ cười” giữa doanh nghiệp và cán bộ công chức hư hỏng hòng trục lợi. Trong khi đó, Nhà nước và người dân cùng thiệt.

Không phải lót tay

Nhiều diện tích đất trong các khu công nghiệp bỏ hoang, gây lãng phí lơn.

Đúng Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 9/12, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm và chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách”, đưa ra một nhận diện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này.

“Sự cấu kết giữa doanh nghiệp với cán bộ nhà nước là nguy cơ lớn, thay đổi quy hoạch, ra chính sách vì lợi ích riêng làm tổn hại chính sách chung nhưng vẫn coi là “đúng quy trình”, là “hợp pháp hóa tham nhũng”- đó là ý kiến của GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân.

Đó cũng là ý kiến của TS Nguyễn Văn Thắng- Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Thắng, nguy cơ tham nhũng ngày một tăng cao nảy sinh từ sự cấu kết giữa cán bộ công chức và doanh nghiệp trong các dự án.

“Doanh nghiệp và cán bộ thông đồng làm sai chính sách hoặc vô hiệu hóa chính sách trong thông thầu - khai thác. Doanh nghiệp và cán bộ thông đồng viết lại chính sách có lợi riêng như chính quyền địa phương đưa ra chính sách có lợi cho nhóm.

Doanh nghiệp bị ép hoặc tự động trả phí không chính thức, doanh nghiệp và cán bộ mặc cả và thương thảo để phân chia lợi ích”- ông Thắng nói và cho rằng từ đó nhà đầu tư được dự án lớn còn người dân bị thiệt hại.

Một cái “bắt tay thân tình” giữa doanh nghiệp với cán bộ công chức thoái hóa đã đẩy lợi ích của dân ra xa. Các nhóm lợi ích chằng chịt “đua tốc độ” chi phối các quá trình từ quy hoạch, thông thầu, chính sách.

Và cuối cùng người dân- chủ thể và là trung tâm thụ hưởng của quá trình phát triển nhận lại một cái giá đền bù rẻ như chưa từng rẻ đến thế, và không còn sinh kế vì hết ruộng đất.

Cách đây chưa lâu, kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT), và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút; người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước.

Đó là: So với kết quả khảo sát năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân cho biết chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Ước tính khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến sổ đó trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục liên quan đến sổ đỏ, tăng gấp đôi so với tỷ lệ ước tính 24% năm 2014.

Những con số thực tế, những thực trạng tăng lên theo cấp số nhân qua từng năm thay vì giảm dù có hệ thống pháp luật dày đặc “như rừng”, trong khi “tham nhũng vặt đang ngày càng phổ biến trong xã hội”.

Mà suy cho cùng, sự bắt tay đến từ một số công chức thoái hóa biến chất, suy thoái về đạo đức- dẫu là thiểu số nhưng đã và đang làm cho tình hình xấu đi.

Vì thế kiểm soát tham nhũng, giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân là vấn đề cần thiết vào lúc này. Nhưng cấp thiết, kiểm soát trước hết phải từ cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ mới tạo được lòng tin trong nhân dân và tạo sức răn đe.

Đảng ta đã coi là 1 trong 4 nguy cơ đến sự tồn tại của chế độ. Nếu như trồng người từ lúc nhỏ, thì xử lý cán bộ phải từ trên xuống để làm gương.

Vì thế tại nhiều hội nghị, nhiều nghị quyết, Đảng luôn nhấn mạnh đến việc phải đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với sự giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Và đó cũng là điều dễ hiểu khi tại sao trong sửa Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng cần ưu tiên phòng ngừa việc cấu kết giữa doanh nghiệp và công chức thoái hóa ở lĩnh vực đất đai, đầu tư; cũng như phải có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng để tránh cấu kết ngay từ khâu xây dựng chính sách. Khi không còn phải lót tay thì cũng có nghĩa tham nhũng đã bị đẩy lùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phải lót tay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO