Không phân biệt đối xử với người tự ứng cử

Nhã Phương (thực hiện) 01/04/2016 08:35

Từ trước tới nay chúng ta không hề có sự phân biệt đối xử giữa đại biểu được giới thiệu ứng cử và đại biểu tự ứng cử. Tuy nhiên, việc họ có trở thành ĐBQH hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là lá phiếu của cử tri. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin Việt Nam khẳng định như vậy với PV Đại Đoàn Kết. 

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh.

PV:Ông đánh giá như thế nào về danh sách những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Đây là một cuộc bầu cử rất quan trọng để bầu ĐBQH đại diện cho cử tri cả nước và đại diện cho các tổ chức, dân tộc và tôn giáo… Trong danh sách sơ bộ 197 người được Trung ương giới thiệu cơ cấu rất hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, cơ cấu về thành phần dân tộc, đại diện cho các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp…

Bất kỳ khóa Quốc hội nào, ĐBQH cũng phải bảo đảm các tiêu chí về chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực. Vì vậy, 3 khâu hiệp thương để chọn ĐBQH dưới sự giám sát của nhân dân là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, việc đánh giá tư cách ĐBQH xem đại biểu đó có đủ phẩm chất hay không thì phải dựa vào 4 tiêu chí như người đó có trung thành với Tổ quốc hay không? Người đó có trí tuệ để thực hiện chức trách của một vị ĐBQH? Người đó có gần dân, sâu sát với nhân dân? Và cuối cùng là người đó có đầy đủ uy tín để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Nếu hội tụ đủ các yếu tố đó thì đại biểu đó mới xứng đáng là đại biểu dân cử.

Trong danh sách các ĐBQH được Trung ương công bố, ngoài những đại biểu được các đơn vị, tổ chức giới thiệu có không ít những đại biểu tự ứng cử. Ông đánh giá thế nào về những đại biểu này?

- Luật pháp nước ta đã quy định rất chặt chẽ về quyền ứng cử, quyền tự ứng cử của công dân. Nhà nước cũng rất khuyến khích việc này vì nó thể hiện tính dân chủ cao trong Đảng. Tuy nhiên, nếu mang ra so sánh giữa số lượng người được giới thiệu và người tự ứng cử thì số lượng người tự ứng cử không nhiều.

Để lựa chọn được những người tự ứng cử tiêu biểu đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn để trở thành ĐBQH, đại diện cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp, dân tộc… không dễ. Những người tự ứng cử mà mục đích của họ là phục vụ nhân dân, phục vụ cử tri chúng ta rất khuyến khích nhưng đối với những người lợi dụng diễn đàn này để quảng bá hình ảnh, phục vụ nhu cầu cá nhân thì Quốc hội, nhân dân phải kịch liệt lên án.

Như ông vừa nói để phân biệt rạch ròi giữa người tự ứng cử đại diện cho cử tri với những người có tư tưởng cá nhân rất khó. Nếu nói theo quan điểm này, liệu chúng ta có sự phân biệt giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử không thưa ông?

- Qua 3 vòng hiệp thương của các cơ quan bầu cử, UBMTTQ các cấp và Quốc hội trước hết phải xem xét đại biểu đó có đủ tư cách hay không, có tiêu biểu cho tổ chức đó không và có đại diện cho nhân dân không? Nếu như đủ tiêu chuẩn đó thì chúng ta sẽ giới thiệu ra ứng cử ĐBQH. Tôi nghĩ rằng mọi người đều có quyền tự do dân chủ trong bầu cử và có quyền được ứng cử.

Từ trước tới nay chúng ta không hề có sự phân biệt đối xử giữa đại biểu được giới thiệu ứng cử và đại biểu tự ứng cử. Tuy nhiên, việc họ có trở thành ĐBQH hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là lá phiếu của cử tri có nghiêng về họ hay không chứ không phải hội nghị hiệp thương có thể quyết định được toàn bộ.

Có ý kiến cho rằng cuộc bầu cử lần này là phép thử về tính dân chủ trong xã hội. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã trải qua 13 khóa Quốc hội và mỗi khóa đều diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Trong 13 khóa Quốc hội đó, có khóa Quốc hội để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân khi đưa ra nhiều quyết sách hợp lý, quan trọng, mang tính chất bứt phá xây dựng đất nước nhưng cũng có kỳ Quốc hội trôi đi một cách nhanh chóng, mờ nhạt.

Quốc hội khóa XIV này người dân đang rất mong chờ vì mới đây Quốc hội ban hành Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND. Đảng, Nhà nước ta từ ngày thành lập đến nay luôn quan tâm đến vấn đề dân chủ trong nhân dân, quan tâm đến tiếng nói của nhân dân nên cuộc bầu cử lần này vấn đề dân chủ vẫn được Quốc hội ưu tiên nhất.

Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII sắp qua đi để chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa mới. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Quốc hội khóa XIII này?

- Theo tôi, kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII rất quan trọng, tổng kết hoạt động của Chính phủ, Tòa án và các cơ quan Nhà nước…Theo tôi, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó. Điều này được thể hiện rõ nét trên các mặt công tác như thực hiện soạn thảo Hiến pháp và pháp luật với một khối lượng công việc rất lớn, giám sát của Quốc hội có trách nhiệm hơn khiến cho chất lượng các kỳ họp được nâng cao.

Với những đổi mới như vậy đòi hỏi các cơ quan Nhà nước, các ĐBQH cũng phải tự đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa. Quốc hội khóa XIII cũng đã bãi nhiệm tư cách của hai ĐBQH, nguyên nhân chính là họ không trung thực với luật pháp, khai man các quan hệ trong xã hội, vi phạm luật pháp, tham nhũng, lừa đảo… Tôi tin rằng, sắp tới hoạt động Quốc hội ngày càng dân chủ, thẳng thắn và có trách nhiệm với cử tri hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phân biệt đối xử với người tự ứng cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO