Không tăng giá điện, phí BOT

V.Thắng-M.Loan 01/06/2016 23:43

Đó là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, diễn ra trong 2 ngày (1 và 2 tháng 6). Dự phiên họp có Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5. Ảnh: TTXVN.

Tập trung giải quyết điểm nghẽn

Đây là lần đầu tiên vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ dành thời gian cả ngày thảo luận trước khi thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội diễn ra vào hôm nay (2/6).

Trong phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển để nhân dân có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. “Tại phiên họp này chúng ta sẽ bàn về hai việc lớn. Thứ nhất là thảo luận về công tác xây dựng thể chế, văn bản quy định chi tiết thi hành các luật. Thứ hai là các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2016 như mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, xuất nhập khẩu và các chỉ tiêu vĩ mô khác. Đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn của xã hội. “Nước ta có đường lối phát triển tốt nhưng phát triển chưa như mong muốn đó là do chậm cải cách hành chính, bao gồm cả bộ máy, thể chế, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Điểm lo ngại là thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, do các văn bản luật chưa hoàn thiện, bộ máy thực thi thiếu tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu còn hạn chế”- Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn gây hậu quả xấu, chưa kể tới yêu cầu đổi mới, cải cách trong các Nghị định. “Hôm nay chúng ta công khai vấn đề này để rút kinh nghiệm”- Thủ tướng nói.

Rút gọn quy trình làm văn bản

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 31-5 theo thống kê Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26. Còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch cũng chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong Nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo Nghị định cần được xây dựng, ban hành.

Sau khi nghe các Bộ trưởng báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, vụ trưởng đều phải tập trung. “Đây là nút thắt quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã phát hiện ra. Kìm hãm sự phát triển hay không chính là do thể chế. Quyết tâm của Chính phủ là sẽ ban hành tất cả các văn bản trước 1/7 khi nhiều luật có hiệu lực, tránh tạo khoảng trống pháp lý”-Thủ tướng nói, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thành nhiều văn bản pháp luật trong thời gian ngắn, nhưng số lượng phải đi liền chất lượng, không lấy lý do chất lượng để “ngâm” mãi văn bản.

Phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến chậm ban hành, hoàn thiện các văn bản pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, nguyên nhân chính là do người đứng đầu các bộ, ngành chưa quan tâm để trực tiếp chỉ đạo. Dù đây là vấn đề khó, phức tạp nhưng nếu tập trung vẫn khắc phục được.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cần tổ chức cuộc gặp liên ngành để thảo luận, rút gọn quy trình làm văn bản, nhưng không thể bỏ quy trình, đặc biệt là vấn đề công khai minh bạch lấy ý kiến nhân dân. Đồng thời lưu ý các bộ, cơ quan, tập trung nguồn lực, hoàn thiện các hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, cần quan tâm chất lượng, không để sai sót; sớm hoàn thiện các dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6-2016.

Không tăng giá điện trong năm 2016

Chiều 1/6, cũng trong phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết liên bộ Tài chính- Công thương đã thống nhất đề xuất Chính phủ không tăng giá bán lẻ điện những tháng còn lại của năm 2016, không lập quỹ bình ổn giá điện. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ chưa điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cùng một thời điểm, mà chia làm nhiều đợt. Về giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ có phương án để làm sao chi phí giá dịch vụ y tế tăng không quá cao.

Đối với đấu thầu giá thuốc, Thủ tướng đề nghị: “Cho đấu thầu giá thuốc công khai để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người bệnh. Tiếp tục triển khai thực hiện quy định mời về đấu thầu thuốc, giảm giá thuốc. Nhất là bệnh viện công lập, không có người nhà bệnh nhân nào đi mua thuốc hỏi giá, trong tình trạng tiêu cực, móc ngoặc kê đơn, dược trình viên… thì việc đấu thầu giảm giá thuốc cho người bệnh là quan trọng. Tôi đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội VN trình phương án đấu thầu thuốc tập trung dùng cho BHYT để công khai. Lần này phải thực hiện cho được để giảm giá thuốc cho người bệnh”.

Về học phí, chi phí giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ tháng 12-2015 chỉ có 20 tỉnh tăng học phí, mức tăng không cao, còn 43 tỉnh chưa tăng, nên tăng học phí chưa tác động nhiều đến CPI. Bộ sẽ kiềm chế tăng học phí nếu chất lượng không tăng. Với giá dịch vụ đầu vào năm học mới, Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị nguồn hàng chủ động, tránh tăng giá.

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng phí đường bộ đối với các dự án BOT và giao Bộ Giao thông - Vận tải tổng kết về các dự án BOT lĩnh vực giao thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận

Hôm nay (2/6), theo chương trình dự kiến, Chính phủ sẽ nghe Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày kế hoạch phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận trong thời gian tới để chủ động hơn trong giám sát, phối hợp vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không tăng giá điện, phí BOT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO