Không thể 'bình chân'

Duy Phương - Việt Thắng (thực hiện) 18/04/2016 09:35

Theo mức cho phép mà Chính phủ đề ra, 65% GDP, thì mức nợ công của Việt Nam hiện nay ở mức 62% vẫn được coi là ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu không có giải pháp kiềm chế, chúng ta khó có thể trả hết nợ. 

Không thể 'bình chân'

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

Cách nào để giảm nợ công, tiết kiệm chi tiêu và ổn định sản xuất để nền kinh tế có thể phát triển vững mạnh? Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bảo, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính).

PV:Trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP, riêng năm 2015, tăng 4%. Với mức 62% GDP hiện nay, liệu vẫn nên coi là ngưỡng an toàn không, thưa các ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Trên khía cạnh kỹ thuật, nợ công ở mức 62% GDP chưa phải là mức đáng lo ngại. Có nước nợ công cao lên đến 200% như ở Nhật Bản, hay ở Mỹ nợ công cũng lên đến 100%. Và như vậy, ở Việt Nam nợ công ở mức dưới 65% - ngưỡng cho phép mà Chính phủ đưa ra, xem như chúng ta đang quản lý được. Tuy nhiên, đó chỉ là khía cạnh kỹ thuật.

Thực chất mà nói, nợ công tùy thuộc vào khả năng trả nợ của mỗi quốc gia. Đối với Nhật Bản và Mỹ, kể cả mức nợ công lên đến 100%, hay 200%, thì khả năng trả nợ của họ hoàn toàn không đáng lo ngại với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và ổn định, khả năng tạo ra của cải vật chất của họ ở thời tương lai, họ hoàn toàn tự tin vào điều đó. Với Việt Nam thì khác, nhiều lĩnh vực kinh tế phát triển chưa bền vững. Có thể nói đến sự bấp bênh của xuất khẩu cũng bấp bênh, thị trường trong nước cũng thiếu ổn định, nhiều biến động. Kể cả những lĩnh vực mũi nhọn như gạo, cà phê… xuất khẩu cũng cũng trồi sụt theo từng năm. Điều đó cho thấy khả năng trả nợ của ta không thể nói một cách chắc chắn như những quốc gia có nền kinh tế ổn định. Bởi vậy, ngưỡng 65% có thể coi là ngưỡng báo động.

Không thể 'bình chân' - 1

Ông Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, nợ công của Việt Nam không còn có thể thờ ơ được nữa. Nợ công gia tăng theo từng năm, đây là điều các nhà quản lý cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại. Không nên mơ hồ nữa. Đã đến lúc chúng ta cần phải tính đến chuyện trả nợ như thế nào, trả bằng gì… Nếu lấy tiền ngân sách để trả nợ, thì chúng ta còn gì ở trong tay để phát triển nền kinh tế trong tương lai?

Cần nhớ là, việc vay nợ của Chính phủ và đầu tư công có liên quan chặt chẽ với nhau. Thực tế cho thấy, đầu tư công của Việt Nam trong thời gian qua chưa hiệu quả. Rất nhiều khoản đầu tư được dùng để xây dựng trụ sở cơ quan hành chính và các công trình khác mà không phát huy hiệu quả cao với nền kinh tế. Điều này cho thấy phải chặt chẽ trong định hướng đầu tư công cho đến hoạch định việc sử dụng nguồn lực của ngân sách nhà nước, sử dụng nợ vay nước ngoài.

PV: Vậy chúng ta phải làm gì để kiềm chế tình trạng nợ công tiếp tục tăng dần theo từng năm?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ, chúng ta cần có cái nhìn và cách xử trí rất nghiêm túc đối với vấn đề này. Phải xây dựng những kịch bản cụ thể để biết trong 10 năm, 20 năm nữa chúng ta sẽ trả nợ như thế nào, trả lãi bao nhiêu, gốc là bao nhiêu chứ không thể cứ mãi mơ hồ với con số 65% GDP và vẫn coi đó là ngưỡng an toàn. Hiện nay, người dân không biết cái món nợ lớn rồi đây sẽ được trả như thế nào và con số cụ thể là bao nhiêu. Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu chúng ta đưa ra mức nợ công 65% GDP, có nghĩa nếu GDP tăng, thì nợ công cũng sẽ tăng.

Tại sao chúng ta không thay con số % GDP bằng một số tiền cụ thể. Chẳng hạn, phải đưa ra một ngưỡng cố định là: Mức nợ tối đa là 100 triệu USD hay 120 triệu USD để có kế hoạch trả nợ cụ thể. Như ở Mỹ, họ đưa ra một con số cụ thể, con số này được coi là báo động về nợ công, để từ đó có thể có kế hoạch trả nợ một cách rõ ràng.

Bởi vậy, tôi cho rằng, chúng ta không nên chỉ đưa ra một con số phần trăm về nợ công nữa, như vậy rất mơ hồ, có gì đó không rõ ràng, và chúng ta- những người đi vay cũng vẫn còn cảm thấy ung dung khi nhìn thấy những con số phần trăm đó (62% hay 65%) vẫn chưa ở mức báo động. Nhưng nếu thử hình dung đó là một số tiền cụ thể, chắc chắn sẽ không ai còn có thể “bình chân” nữa.

Quốc hội cũng cần đặt ra định nghĩa cụ thể về nợ công, các cấu phần của nợ công cũng như công bố rõ ràng mức lãi phải trả, số gốc phải trả, lịch trả cụ thể, trả bằng gì… để người dân biết. Còn nếu cứ nói một con số chung chung, trong khi thực tế nợ công đã ở mức đáng báo động… là rất nguy hiểm.

Không thể 'bình chân' - 2

Ông Nguyễn Ngọc Bảo.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Theo tôi, muốn giảm nợ công, việc đầu tiên phải phân cấp xuống các địa phương về chi tiêu. Ví dụ vốn vay ODA từ xưa đến nay Chính phủ đứng ra vay và chịu trách nhiệm về nợ công, các dự án ODA của chúng ta đôi khi giải ngân còn hạn chế. Chính giải ngân hạn chế, không hiệu quả cũng như đầu tư của vốn ODA chưa phát huy được hiệu quả càng ngày làm tăng nợ công.

Giải pháp được đưa ra gần đây là giao vốn ODA và vốn vay Chính phủ cho các địa phương vay lại và địa phương chịu trách nhiệm. Theo tôi đây là giải pháp để giảm nợ của Chính phủ hay nói cách khác là giảm nợ công. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là nguồn hỗ trợ đó có đến đúng với địa chỉ cần vay, đến đúng các địa phương, công trình hay không.

Tới đây, chúng ta sẽ vay ODA với lãi suất tương đối cao từ 2-3,5%, không được ưu đãi nữa và thời gian trả nợ nhanh, không được kéo dài như trước nữa. Từ đây đặt ra bài toán rằng nguồn vay này có thực sự cần hay không? Nếu cần thì có hiệu quả, nghĩa là vay về phải đúng mục đích, đúng việc, đúng địa chỉ, và các địa phương chịu trách nhiệm và trả cho Chính phủ để Chính phủ trả nợ vì Chính phủ chỉ là người đứng ra vay hộ thôi.

Trên nguyên tắc những nguồn vốn vay đó có yêu cầu cấp thiết tôi nghĩ là cách làm chúng ta cần nhân rộng, không chỉ ODA mà còn đối với các nguồn vay khác của Chính phủ. Có lẽ chúng ta cũng phải hết sức căn cơ và sử dụng hết sức hiệu quả. Từ xưa đến nay nguồn vay của chúng ta theo thống kê có những năm còn dư ra rất nhiều tiền mà không giải ngân được.

Điều đó cho thấy, chúng ta chưa phát huy được nguồn vay có hiệu quả và nó cũng làm tăng nợ công. Tiền vay của chúng ta cứ vay được là được khó rồi nhưng chúng ta tiêu còn khó hơn nhất là làm sao phát huy hiệu quả của tiền vay. Đây là cách mà hiện nay Chính phủ đang đặt vấn đề rất mạch lạc là trách nhiệm vay đến người chịu trách nhiệm đến cùng.

PV: Dư luận xã hội vẫn lo ngại, một trong những yếu tố gây gia tăng nợ công chính là sử dụng ngân sách sai mục đích dẫn đến bội chi. Vậy làm sao chi tiết kiệm hơn để giảm bội chi trong thời gian tới?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Từ xưa đến nay chúng ta quản lý bội chi ngân sách còn nhiều vấn đề tồn đọng lớn. Muốn giảm bội chi ngân sách thì việc đầu tiên là giảm chi, giảm chi nghĩa là giảm bộ máy. Bộ máy của chúng ta đang quá cồng kềnh và kém hiệu quả. Nhưng quan trọng bộ máy của ta là bộ máy quản lý, như Bí thư TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nói là bộ máy quản lý của chúng ta không làm ra ngân sách, mà làm ra ngân sách phải là người lao động, người dân và doanh nghiệp.

Cho nên bây giờ phải chuyển từ bộ máy điều hành mệnh lệnh sang bộ máy phục vụ dân và doanh nghiệp một cách vô điều kiện. Ngoài ra muốn giảm bội chi thì chúng ta phải ổn định lại cơ cấu hệ thống, có nhiều cái chi như chi lương quá lớn trong khi không tương xứng với hiệu quả công việc. Hàng năm tiền chi lương cho bộ máy nhà nước trả lương không đã lên đến hơn 400 nghìn tỷ đồng. Nó quá lớn mà không tương xứng với hiệu quả đạt được.

Giảm bội chi có nghĩa là tiết kiệm chi, không còn cách nào khác cả. Có những cái chi chúng ta còn chưa đủ nhưng có những cái chi lại quá nhiều, và không hiệu quả. Vì thế cần tổ chức lại cơ cấu và làm sao đưa hệ thống có tính hiệu quả cao nhất trong quản lý.

PV:Một khía cạnh khác, làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng mạnh mẽ, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, đồng nghĩa hàng hóa nước ngoài tràn vào trong nước, khả năng hàng hóa nội địa khó cạnh tranh được. Theo các ông, nhà quản lý có nên hỗ trợ sản xuất trong nước bằng cách dựng hàng rào bảo hộ hay không?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Bảo hộ nền kinh tế nội địa là điều cần thiết ở bất kỳ một nền kinh tế nào. Với Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Các nước đã xây dựng những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất của nước họ. Chúng ta đứng trước thời kỳ hội nhập, các rào cản thuế quan bằng 0. Hàng nhập ngoại tràn vào ngày càng nhiều, đương nhiên cần phải có những tấm lá chắn để bảo vệ cho hàng hóa nội địa, bảo vệ các DN sản xuất của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta một mặt bảo hộ hàng hóa nội địa nhưng mặt khác lại bước vào sân chơi toàn cầu thì không thể bảo hộ mãi được. Mình không thể áp thuế nhập khẩu theo kiểu “bế quan tỏa cảng” như thời kỳ trước đây. Vì nếu áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước thành viên, họ cũng sẽ phản đối ngay. Bước vào sân chơi quốc tế, chúng ta cần phải thuận theo luật chơi mới. Có thể bảo hộ, có thể xây dựng những rào cản để bảo vệ DN, bảo vệ hàng hóa trong nước song tương lai các rào cản đó sẽ không còn là một rào chắn để DN có thể vin vào. Luật chơi quốc tế không chấp nhận. DN cũng không thể dựa mãi vào sự bảo hộ.

Bởi vậy, tôi cho rằng, khi đã bước vào sân chơi chung, một sân chơi toàn cầu, cách duy nhất để DN chúng ta có thể vững ở sân chơi này chính là tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng sức cạnh tranh. Khi hàng hóa được nâng chất thì không chỉ hàng hóa trong nước có thể cạnh tranh với các hàng hóa ngoại nhập mà còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tốt, giá cạnh tranh.

Đây chính là điều kiện quyết định sự sống còn của DN khi làn sóng ngoại nhập đang tràn vào ngày một mạnh mẽ. Vì suy cho cùng, tất cả các giải pháp bảo hộ đều chỉ là tạm thời, DN nếu không thực sự giỏi, không thực sự tốt thì người tiêu dùng cũng sẽ quay lưng, chẳng biện pháp nào có thể bảo vệ được DN.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Nói về việc xây dựng các hàng rào bảo hộ như việc đánh thuế nhập khẩu trong câu chuyện thép vừa qua, chúng ta phải phân tích cái được và cái mất. Khi chúng ta không thu thì ngược lại chúng ta xuất khẩu sang các nước khác chúng ta cũng không mất thuế, có sự bù trừ cả thôi. Tham gia sân chơi toàn cầu hóa, chúng ta phải hiểu và nắm rõ luật chơi. Đừng ai nghĩ không có rào cản thuế quan thì nguồn thu sẽ bớt đi và cho như thế là mất. Không phải như vậy vì phải tính làm sao mất 1000 đồng mà kiếm được 5000 đồng… cho nên cần thúc đẩy mạnh xuất khẩu.

Đây là bài toán vĩ mô, không có nghĩa hội nhập thì ta mất nguồn thu mà chúng ta tự tạo áp lực, bởi khi hội nhập là đặt trong cả nền kinh tế vĩ mô để toán. Nó tương tự như giảm bội chi ngân sách vậy, không có nghĩa là tìm mọi cách cắt giảm đi mà là tìm cách làm sao nguồn chi phải đẻ ra nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu để phát triển, chi ra 1 đồng phải đẻ ra 1,1 đồng. Chứ cứ nói cắt là tìm mọi cách cắt bằng được thì lấy đâu ra cái mà phát triển.

Các nước họ cũng áp dụng thuế phòng vệ, đây là công cụ mà các nước đều đặt ra nhưng họ chỉ đặt ra trong điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Nhưng thuế phòng vệ phải phát huy được tác dụng của nó. Khi đưa ra thuế phòng vệ với nền kinh tế hết sức cân nhắc làm sao cho có hiệu quả vì khi đưa ra chúng ta sẽ có cái được cái mất. Vì có thể ngăn ở phía ngoài xâm nhập nhưng lại không phát huy được nội lực ở bên trong. Hoặc có khi phát huy được nội lực thì chỉ ở một nhóm rất nhỏ.

Bởi vậy, tôi cho rằng, khi đưa ra các rào cản phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước cũng cần phải cân nhắc, chúng ta giữ được vài doanh nghiệp thì có thể thiệt hại cả nền kinh tế. Tôi nói ví dụ sắt thép ở thế giới nhập vào Việt Nam nhiều, chúng ta đưa ra thuế phòng vệ cao để hạn chế nhưng câu chuyện ở đây là năng lực sản xuất của chúng ta vẫn thấp. Với công nghệ của ta sản xuất ra một tấn thép là khoảng 300 USD chẳng hạn, nhưng với công nghệ nước ngoài họ chỉ bỏ ra 250 USD thôi thì ta có nên khai thác một cách cạn kiệt nguồn tài nguyên trong nước để sản xuất hay không? Hay ta nhập về sử dụng để hiệu quả hơn? Đó là vấn đề phải tính trong bài toán chung của cả nền kinh tế.

Thuế phòng vệ thì nước nào cũng có, nhưng khi đưa ra phải đặt trong bối cảnh có lợi cho nền kinh tế chứ không bảo vệ một vài DN, một vài ngành.

Trân trọng cảm ơn các ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể 'bình chân'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO