Không thể chậm mãi

Hoàng Mai 12/04/2017 08:35

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước, việc cổ phần hóa, thoái vốn của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty được đặc biệt lưu tâm. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, không cần cổ phần hóa thật nhiều nhưng phải đảm bảo vốn nhà nước hiện vẫn còn rất lớn trong doanh nghiệp phải được bán nhanh hơn, giá trị cao hơn và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ cỏ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo động lực mới cho phát triển.

Chủ trương cổ phần hóa (CPH) và việc thoái vốn ra khỏi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong những lĩnh vực mà Nhà nước không cần thiết phải nắm cổ phần chi phối đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng việc CPH vẫn chưa được như mong muốn.

Báo cáo do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Lê Mạnh Hà trình bày cho thấy, theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/-12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước giai đoạn 2017- 2020 cả nước sẽ thực hiện CPH 137 DNNN, tập trung ở 4 bộ, ngành, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế. Tính tới quý I-2017 cả nước đã CPH 8 DNNN và 1 đơn vị sự nghiệp, công bố giá trị DN nhưng chưa phê duyệt phương án CPH 41 DN và đang tiến hành xác định giá trị của 108 DN, giải thể được 1 DN thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam và phê duyệt giá trị cho 1 DN để CPH.

Riêng về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/3 cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỷ đồng tại 10 DN không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỷ đồng, trong đó có 6 DN phải thoái vốn dưới mệnh giá. Đặc biệt đáng lưu ý là, tính đến nay, đã có 96,5% số lượng DNNN cổ phần hóa nhưng tổng số vốn CPH chỉ có 8%. Như vậy còn tới 92% vốn nhà nước chưa được CPH, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Đây có lẽ là điểm mấu chốt cho thấy việc thoái vốn nhà nước vẫn còn rất chậm. Đó là chưa kể, nhìn vào tình hình cổ phần hóa DNNN trong quý I năm nay thì thấy, rõ ràng, đang có sự chững lại. Nguyên nhân thì có nhiều chẳng hạn như tâm lý trông chờ việc sửa Nghị định 59 về việc ban hành lại khung giá đất; cũng có lý do là với các tập đoàn, tổng công ty, giá trị DN cao với quy mô vốn lớn nên không dễ gì có thể ào ào CPH, tái cơ cấu như trường hợp Tổng Công ty cà phê, VNPT, PVN, Tập đoàn Cao su, Vinafood 1 và 2, các Tổng Công ty phát điện thuộc EVN… Rồi cũng có tâm lý (vẫn là một kiểu trông chờ) cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại DN.

Chính Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng xác nhận tâm lý trông chờ ấy đang có tại một số Tổng công ty thuộc quyền quản lý của bộ này. Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) Lê Minh Chuẩn cho biết, “khó khăn lớn nhất giai đoạn vừa qua là có nhiều DN thoái vốn nhưng nhà đầu tư thì ít, trong giai đoạn tới đây DN phải CPH có số vốn rất lớn, nên việc tìm nhà đầu tư chiến lược để tiến hành CPH giai đoạn tới là rất khó khăn”. Và, vẫn theo ông Chuẩn, TKV không dám hứa xác định xong giá trị DN trước 2019. Tức là, có thể hiểu, CPH không thể sớm hơn thời điểm ấy. Vốn và tài sản lớn nên khó, cũng là vấn đề của PVN, được Phó Tổng giám đốc Lê Minh Hồng cho biết. Băn khoăn của ông Hồng là vốn lớn, nhưng không biết sẽ bán được bao nhiêu nên PVN xin “cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn”. Sơ qua tình hình của một số tập đoàn, tổng công ty thì có thể nói gọn là: Khó!

Đánh giá về công tác sắp xếp, đổi mới DN, nhất là CPH, thoái vốn DNNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến các bộ, địa phương và các DNNN rằng công việc này còn chậm, có dấu hiệu chững lại trong quý I-2017 về xây dựng khung khổ thể chế, sửa đổi, ban hành các nghị định liên quan của Chính phủ và cả về thủ tục hành chính. “Ví dụ kế hoạch tái cơ cấu DNNN trình lên thì các bộ, ban, ngành và địa phương phải khẩn trương tiếp nhận và xử lý. Chậm một ngày thì lỡ tiến độ thực hiện tới hàng tháng, cả một quý, thậm chí cả 1 năm của doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty thực hiện CPH, thoái vốn vẫn còn thiếu quyết liệt, có tâm lý chờ đợi các quy định của Nhà nước”- Phó Thủ tướng đánh giá.

Nhưng chả nhẽ khó lại không làm, mà cứ chờ hoài. Không tìm được thời điểm thích hợp vậy là chủ trương CPH, thoái vốn nhà nước cũng rơi vào im lặng hay sao?

Chính vì lý do này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu, ngay trong năm 2017 và cho tới năm 2020, mục tiêu sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất hơn, trong đó CPH chỉ là một giải pháp mà cuối cùng là thu hẹp phạm vi hoạt động DNNN chỉ ở các lĩnh vực an ninh- quốc phòng, các lĩnh vực tư nhân không muốn đầu tư và không có khả năng đầu tư. Thêm vào đó, Phó Thủ tướng nêu rõ những DN mà Nhà nước giữ lại thì phải đổi mới quản trị, sao cho hoạt động “ra tấm ra món”. Và để tránh tình trạng chây ì, “ngại” CPH, thoái vốn Nhà nước hoặc lợi dụng cổ phần hóa để kiếm lợi, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã đặt yêu cầu: Xác định trách nhiệm trong CPH DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này kể cả hoạt động điều hành, quản trị DN hiện nay”.

Còn đối với các bộ, ngành, cần quản chặt, giám sát chặt để một đồng vốn nhà nước cũng không bị thất thoát; nhất là không có tiêu cực trong thoái vốn, CPH. Khắc phục các bất cập về pháp lý của CPH để đảm bảo quá trình này diễn ra nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý DN yếu kém theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW là Nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu DN. Các địa phương, bộ, ngành cần chủ động xử lý các DN yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ. Và, không nên có tâm lý trông chờ, vướng đến đâu, thì đề xuất tháo gỡ đến đó. Nếu vấn đề thuộc liên ngành thì liên ngành cũng bàn bạc. Nếu vướng ở khâu định giá thì Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá để tránh thất thoát. Tóm lại, bán vốn nhà nước trong các DNNN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối phải đảm bảo phần vốn; nhưng cũng không thể chậm trễ mãi.

Tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, 7 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Tổng giá trị thực tế của 7 DN này là 1.855 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 379 tỷ đồng. Trong quý I, các đơn vị đã thoái được 3.072 tỷ đồng, thu về 14.236 tỷ đồng. Cùng với việc thoái vốn 5 lĩnh vực (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng-tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư), các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 1.703 tỷ đồng; SCIC đã bán vốn tại 15 DN với giá trị là 1.333 tỷ đồng (bao gồm số thoái vốn của SCIC tại Vinamilk với giá trị 783,7 tỷ đồng).

H.H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chậm mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO