Không thể đổ hết lỗi cho 'ông Trời'

Mai Loan 05/11/2020 11:01

Tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề thủy điện, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng: “Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ chúng ta đều đúng cả. Chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá”.

Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tranh luận đối với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vào chiều 4/11 về vấn đề thủy điện, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng: “Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ chúng ta đều đúng cả. Chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá”. Bộ trưởng nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch và do tổ chức thực hiện, nhận định như vậy là “chưa ổn”.

Theo ông Hồng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Chúng ta thường nói gió lũ mưa ngàn, tức nước vỡ bờ, làm nhiều đập thủy điện sẽ khiến nước dâng cao, phải tìm đường thoát, khi ấy sẽ gây ra hậu quả.

Sau đó, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, dự án thủy điện có 2 mặt, nếu các cơ quan thực hiện đúng quy định, thì nên ủng hộ. Nhưng Bộ trưởng cũng nên lưu ý những tiêu cực, nên được kiểm soát một cách hiệu quả hơn.

Nhắc lại quan điểm của ĐB Dương Trung Quốc (phát biểu chiều 4/11-PV) cho rằng, các dự án thủy điện như quả bom nổ chậm, ông Thịnh cho rằng điều này cũng có phần đúng.

"Đây là nhận thức chủ quan trên điều kiện khách quan. Còn nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo”, ông Thịnh cho hay và bày tỏ đồng tình với các giải pháp Bộ Công Thương đang thực hiện.

Ông Thịnh cũng cho rằng, nên đồng tình với các giải pháp đó, từng bước tháo gỡ những yếu tố tiêu cực, nâng hiệu quả sử dụng các dự án này.

Tuy nhiên, phát biểu tranh luận lại, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, khi nói về vấn đề thủy điện, không nên tùy tiện so sánh với Biển Đông. Nếu chúng ta không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.

Theo ông Quốc, doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác. Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi. Còn nhiều doanh nghiệp tìm cách thoái thác, bỏ đi. Yếu tố lợi ích nhóm sẽ để lại nhiều tổn hại cho sau này.

Trước đó, trong phiên làm việc chiều 4/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có phần giải trình việc việc phát triển thủy điện. Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết: Qua khảo sát thực tế và đánh giá của cơ quan chuyên môn, phải khẳng định sạt lở đất gắn chặt với yếu tố thời tiết.

Theo báo cáo, lượng mưa ở một số tỉnh miền Trung rất lớn, lên đến hàng nghìn mm mỗi đợt. Thời gian lưu bão của cơn bão số 9 kéo dài đến 6 tiếng, tác động đến cấu tạo địa chất, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và gây ra sụt lở nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể đổ hết lỗi cho 'ông Trời'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO