Không thể mãi xuất khẩu nông sản thô

Minh Phương 17/06/2019 08:00

Những ngày này, người dân vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang chứng kiến cảnh tấp nập “người mua kẻ bán”, hàng ngàn tấn vải thiều mỗi ngày theo các chuyến xe được chở đi bán. Có thể thấy, người trồng vải năm nay “trúng lớn”. Tuy nhiên, có một thực tế là, chỉ có 10% lượng nông sản được qua chế biến, còn lại chủ yếu vẫn xuất khẩu đồ tươi. Đây là thiệt thòi lớn đối với nông dân Việt Nam.

Không thể mãi xuất khẩu nông sản thô

Bà con vùng vải bội thu.

Bà con nông dân vùng vải “trúng lớn”

Theo chia sẻ của bà con nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, vụ vải năm nay bà con không phải lo tìm đầu ra, chỉ yên tâm thu hoạch vải nên coi như được cả mùa, cả giá. Sở dĩ nói như vậy là bởi, ngay từ đầu vụ, các doanh nghiệp (DN) lớn đã đến ký kết hợp đồng tiêu thụ vải tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Những DN phân phối lớn như Vingroup, Saigon Coop cũng đã đến ký cam kết thu mua tiêu thụ hàng trăm tấn vải cho bà con nông dân huyện Lục Ngạn. Những ngày này, người ta chứng kiến cảnh tấp nập giao thương tại huyện Lục Ngạn – thủ phủ của vải thiều. Mỗi ngày, hàng trăm ô tô, xe máy đến đây để thu mua vải.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ một hộ trồng vải ở xã Quý Sơn, thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, năm nay sản lượng vải có thấp hơn mọi năm nhưng giá lại cao hơn và đặc biệt, bà con nông dân không phải lo cảnh thương lái đến ép giá, do đó bà con rất phấn khởi. Đáng chú ý, năm nay chất lượng quả vải rất đồng đều, mẫu mã đẹp nên bán rất được giá. Theo chị Tuyết, giá vải thu mua tận vườn dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, chính vì thế mà vụ mùa năm nay gia đình chị có mức thu nhập từ trái vải cao gấp đôi vụ năm ngoái.

Quả thực, chứng kiến cảnh tấp nập giao thương của người dân vùng trồng vải năm nay, hẳn ai cũng thấy vui mừng cho bà con nông dân vì đã thoát khỏi tình trạng “được mùa rớt giá”. Tuy nhiên, để có được những thành quả này, ngay từ đầu, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã phải rất nỗ lực phối hợp với các DN để thực hiện việc ký kết hợp đồng thu mua vải với bà con nông dân huyện Lục Ngạn. Và phần lớn, hàng trăm, hàng ngàn tấn vải được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trên cả nước cũng như xuất ra thị trường thế giới vẫn chủ yếu ở dạng trái vải tươi. Đây là một thực tế lâu nay không chỉ đối với trái vải mà là thực tế chung của ngành nông sản nước nhà.

Muốn nâng giá trị, phải chế biến sâu

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau, quả, hiện nay sản phẩm nhãn, vải qua chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng sản phẩm. Điều này cũng có nghĩa, 90% sản lượng vải thu hoạch được đều được bán thô. Thực tế này sẽ rất thiệt thòi cho ngành vải nước nhà nếu chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là điểm yếu của trái cây Việt Nam nói chung và quả vải nói riêng.

“Hiện nay trái nhãn, vải vẫn chủ yếu là bán tươi, thời gian thu hoạch ngắn, nên giá trị thấp. Sản phẩm tươi sẽ luôn phải chịu yêu cầu khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu” – ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm. Chính bởi vậy, việc tăng cường đầu tư khoa học công nghệ vào khâu chế biến là điểm chính yếu để ngành nông sản có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.

Theo số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, hiện tỷ trọng nông sản xuất khẩu chế biến sâu tại Việt Nam mới đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa so với các nước trong khối ASEAN). Trong đó, nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp, như rau, quả, thực phẩm 10%, cà phê 4 - 6%...

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, song khi chúng ta vẫn dựa vào xuất khẩu thô, tỷ lệ chế biến sâu thấp thì sẽ khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, khi mà hàng rào kỹ thuật tại các nước nhập khẩu liên tục được “giăng ra” thì việc xuất khẩu trái tươi, xuất khẩu không qua chế biến sẽ đẩy các sản phẩm nông sản của Việt Nam đến chỗ đối mặt với nhiều nguy cơ, nhất là đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta biết rất rõ, xuất khẩu ở dạng tươi sẽ khó có thể đảm bảo được chất lượng trái cây trong suốt quá trình vận chuyển.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, xuất khẩu nông sản nói chung và rau, củ, trái cây nói riêng của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Hiện, thị trường xuất khẩu trái cây thế giới đang ở con số 270 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD, chỉ chiếm vỏn vẹn 1,4 -1,5%. Do đó, dư địa khai thác thị trường còn rất lớn. Chính bởi vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải đẩy mạnh vào khâu chế biến đối với nông sản để có thể tăng giá trị xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho ngành nông sản nói riêng, và toàn ngành nông nghiệp nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể mãi xuất khẩu nông sản thô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO