Không thể tự do dùng súng

Tinh Anh 07/09/2020 05:44

Công an thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã triệu tập ông Nguyễn Văn Sướng - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long (đường Hai Bà Trưng, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh), để làm rõ hành vi dùng súng đe dọa tài xế lái xe tải trên đường.

Cơ quan công an đã thu giữ tang vật là khẩu súng và 3 viện đạn, trong đó 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay. Hành vi rút súng đe dọa người khác khi tham gia giao thông của vị giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ khiến dư luận bức xúc.

Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 9, Thông tư 17/2018/TT-BCA, quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, quy định: Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ chỉ được xem xét trang bị các loại công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao. Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 9 quy định: Lực lượng trên sẽ được trang bị thêm súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay khi bảo vệ các công trình quan trọng, an ninh, quốc phòng...

Chiếu theo quy định tại Thông tư 17 của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Sướng và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ của ông này không được phép trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ là súng, dù là bắn đạn nổ, đạn cao su hay đạn hơi cay. Do vậy, chỉ riêng việc tàng trữ súng và đạn (cao su, hơi cay) đã là vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm minh. Vấn đề dư luận đặt ra ở đây là ông Sướng tự ý trang bị súng và đạn cao su, hơi cay, hay ông được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng trái pháp luật?

Thông thường, khi có hành vi tàng trữ đồ cấm, người ta phải giấu giếm, bởi nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh. Song, ông Nguyễn Văn Sướng lại không hề biết sợ và kiêng dè gì cả. Vốn tàng trữ trái phép công cụ hỗ trợ súng đạn đã là trái pháp luật, nhưng ông Sướng lại ngang nhiên rút ra dọa bắn người khác ngay “giữa đường, giữa chợ” chứng tỏ hành vi coi thường kỷ cương phép nước. Dư luận xã hội đặt câu hỏi: Vì sao ông Sướng lại dám ngang nhiên thách thức dư luận, coi thường pháp luật đến vậy?

Giả dụ như ông Nguyễn Văn Sướng bị đe dọa đến tính mạng, tài sản, hoặc cần phải bảo vệ các mục tiêu quan trọng, liên quan đến an ninh, quốc phòng... mà rút súng ra để tự vệ, trấn áp tội phạm thì lại đi một nhẽ. Đằng này, chỉ đơn giản là khi tham gia giao thông, ông Sướng bị một chiếc xe tải chèn ép không cho vượt trong một đoạn đường dài nên mới sinh ra bực tức, rút súng đe dọa tài xế xe tải. Chỉ vì cay cú khi tham gia giao thông mà đã rút súng đe dọa, vậy khi thực hiện nhiệm vụ còn có hành vi nguy hiểm đến đâu?!

Dư luận cho rằng, một người tính khí nóng nảy, không thể kiểm soát bản thân như vậy khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thuê cho cơ quan, tổ chức, công sở... Nếu khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, có người có hành vi càn quấy, ông Sướng sẽ rút súng bắn người ta hay sao?

Đó là còn chưa kể đến việc, nếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép bảo vệ các mục tiêu quan trọng, liên quan đến an ninh, quốc phòng... sẽ là mối họa tiềm tàng khó kiểm soát, bởi lúc đó ông Sướng được phép sử dụng súng.

Tất nhiên, tới đây cơ quan công an sẽ phải làm sáng tỏ vì sao ông Nguyễn Văn Sướng lại có súng và đạn (cao su, hơi cay), đồng thời sẽ phải xử lý nghiêm minh hành vi côn đồ của ông này trước pháp luật. Dù ông Nguyễn Văn Sướng có từng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bảo vệ mục tiêu quan trọng, được trang bị súng và đạn, nhưng nếu đã hoàn thành nhiệm vụ thì phải thu hồi công cụ hỗ trợ. Hoặc giả nếu vẫn đang thực hiện nhiệm vụ thì cũng không thể “vác” súng đi khắp nơi dọa người như vậy.

Song, dư luận không chỉ chờ cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc súng và đạn (cao su, hơi cay) của ông Nguyễn Văn Sướng từ đâu mà ra, vì sao lại tự do sử dụng công cụ hỗ trợ như vậy, mà còn đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật phải làm rõ liệu có hay không cá nhân, cơ quan có thẩm thẩm quyền cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ trái pháp luật cho ông Sướng.

Nếu thực sự có người “chống lưng”, bảo kê, cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ trái pháp luật cho ông Sướng thì cần xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa.

Thời gian qua, có khá nhiều vụ việc ngang nhiên sử dụng công cụ hỗ trợ là súng, vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế bắn đạn hoa cải... để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, xung đột khi tham gia giao thông. Nhiều vụ việc đã để lại hậu quả đau lòng là làm thiệt mạng nhiều người, như trong vụ Tuấn “khỉ”; những vụ thanh toán nhau ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên... khiến dư luận xã hội vô cùng lo lắng về việc nhiều cá nhân có thể dễ dàng sở hữu vũ khí nóng, để rồi manh động sử dụng hại người.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí tự chế..., để cuộc sống người dân được bình an.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể tự do dùng súng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO