Không thể vì tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi sinh

Anh Vũ (thực hiện) 09/05/2016 10:33

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục, Môi trường & Phát triển-Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam, một trong hai người tự ứng cử  trong danh sách bầu cử của Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV khu vực Hà Nội. Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông về chương trình hành động, vận động bầu cử, khi vấn đề môi trường đang nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước.

Giáo sư Nguyễn Hữu Ninh.

PV:Là một trong hai người tự ứng cử được đưa vào danh sách bầu cử ĐBQH khóa XIV khu vực Hà Nội, GS đã có sự chuẩn bị như thế nào để trở thành đại biểu Quốc hội?

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh: Là một nhà khoa học đã có hơn 30 năm nghiên cứu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các vấn đề về nước, nông nghiệp, năng lượng, an toàn thực phẩm... tôi có nhận thấy mình có đủ lý do để ra ứng cử ĐBQH.

Về mặt gia đình, các con tôi đã trưởng thành nên tôi có thời gian và điều kiện để tham gia hoạt động của Quốc hội. Bản thân tôi, nhiều năm làm việc ở trong nước và quốc tế, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức, có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.

Và lý do quan trọng nhất mà tôi ứng cử đó là vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang ngày càng trở gay gắt, phức tạp. Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được tôi có thể đóng góp phần nào vào việc xây dựng chính sách, hành lang pháp lý để phát triển phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp tại Việt Nam.

Ông sẽ tập trung chương trình hành động thế nào để vận động cử tri?

- Trong 200 năm qua, các cuộc cách mạng công nghiệp đã phát triển như vũ bão dựa trên nền tảng sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là than đá và dầu lửa, đã dẫn đến tình trạng gia tăng khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, suy kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Việt Nam là một nước đang phát triển, phải lựa chọn hướng đi phù hợp giữa 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Là một nhà khoa học nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu, chương trình hành động của tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, chất vấn và xây dựng luật pháp ở Quốc hội về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh & phát triển bền vững, đặc biệt là an ninh tài nguyên nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng để giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước.

Cũng trong chương trình hành động của mình, ông rất tâm đắc vấn đề phát triển đô thị bền vững và sản xuất nông nghiệp bền vững, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Giải pháp của ông là gì?

- Đúng vậy, đó chính là trăn trở và tâm huyết lớn nhất của tôi thời gian qua. Tôi sẽ đề xuất triển khai các giải pháp giải quyết các vấn đề như phát triển đô thị bền vững đi cùng phân bố không gian xanh trong đô thị. Việc quản lý rác thải, nước thải và nâng cao chất lượng không khí với cơ chế giám sát có sự tham gia của cộng đồng.

Hay như sản xuất nông nghiệp bền vững hướng tới sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp và tự quản lý rủi ro trong canh tác nông nghiệp.

Đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo tôi cần chú trọng đến giáo dục và truyền thông trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh tính minh bạch trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng các biện pháp chế tài chặt chẽ và qui định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan. Có thể hợp tác với người dân, các tổ chức quần chúng nhân dân như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội người tiêu dùng… các tổ chức xã hội khác để giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Là người lần đầu tự ứng cử ĐBQH khóa XIV nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội ông sẽ sắp xếp công việc như thế nào để trở thành một đại biểu tích cực, trách nhiệm, tham gia hiệu quả các hoạt động của Quốc hội?

- Nếu nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của cử tri, tôi sẽ chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh đến Quốc hội, tiếp nhận thông tin qua gặp gỡ cử tri, thư từ, email, điện thoại, phân tích và giải đáp thắc mắc của cử tri và đưa các vấn đề cử tri quan tâm ra các cuộc họp.

Là một nhà khoa học tôi sẽ tổ chức phân tích đánh giá một cách khoa học những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đối với các chính sách, kế hoạch mới. Thực hiện giám sát đến cùng những vấn đề còn nhiều ý kiến trong xã hội để tăng trưởng kinh tế không hủy hoại môi sinh của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh sinh năm 1954 tại Hà Nội. Năm 1977, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Szeged (Hungary) chuyên ngành Sinh học. Từ 1977 đến 2014: Giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục, Môi trường và Phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ thỉnh giảng Đại học San Diego State, Hoa Kỳ, Giáo sư danh dự Đại học Pécs, Hungary và Đại học Nguyễn Tất Thành, Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể vì tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO