Không thỏa hiệp với cái xấu

Dương Thanh Tùng 19/02/2016 10:05

Mấy ngày qua, người tiêu dùng thật sự “sốc” trước thông tin cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh phanh phui vụ dùng thịt heo nái làm giả thịt bò. Thịt bò có nguồn gốc từ thịt heo nái ngay tại thời điểm bắt quả tang lên đến trên 2 tấn. Nếu không bị phát giác, mỗi ngày, cơ sở “có phép thần thông” ở một phường trung tâm TP Hồ Chí Minh này có thể tung ra thị trường hàng tấn thịt heo nái đã được “hóa phép” thành thịt bò bằng cách ngâm tẩm hóa chất và máu bò.

Không thỏa hiệp với cái xấu

Chuyện làm giả làm nhái cứ liên tục xảy ra – khi ở nơi này,
mai ở nơi khác, trở thành “điệp khúc thân quen” với mọi người, mọi nhà.

Người tiêu dùng càng “sốc” hơn khi vào ngày 17/2 Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh công bố thông tin về kết quả xét nghiệm thịt bò nguồn gốc từ thịt heo nái này chứa đầy vi sinh gây bệnh.

Vụ thịt heo biến thành thịt bò, bị phát giác ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân, dù gây “sốc” cho người tiêu dùng ở một nơi được coi là “siêu đô thị” với dân số gần chạm ngưỡng 10 triệu người như TP Hồ Chí Minh, thực tế chỉ là giọt nước sắp làm tràn ly bởi trước đó có rất nhiều thứ đã được làm giả đánh lừa người tiêu dùng. Vài chục năm trước, khi đất nước còn đầy rẫy khó khăn, người ta dùng đậu nành rang cháy và hạt cau để làm giả cà phê. Cà phê giả thời gian gần đây không cần quá nhiều công phu như trước kia.

Những kẻ bất lương chỉ cần vài giọt hóa chất mua ở chợ là có thể cho ra hàng tấn cà phê đúng màu sắc, mùi vị của các thương hiệu cà phê nổi tiếng. Đại bộ phận người dân TP Hồ Chí Minh uống cà phê mọi lúc, mọi nơi. Dù đã quen thuộc với vị cà phê của các thương hiệu nổi tiếng nhưng cũng không ai có thể phân biệt được ly cà phê mà họ uống trong quán sang trọng hay ở vỉa hè là thật hay giả

Hơn 10 năm trước, người tiêu dùng cả nước ngỡ ngàng không tin nổi những gì mắt thấy tai nghe khi một phóng sự truyền hình được thực hiện ở làng rượu nổi tiếng của miền Bắc. Để có thứ rượu mang tên gọi của vùng đất ấy, người làng dùng nước lã và cồn đổ vào thùng phuy rồi thêm vài công đoạn nữa, cho “ra lò” loại rượu trong vắt, cũng có mùi, vị, nồng độ không khác gì loại rượu đã lừng danh. Việc làm rượu giả được một số chủ lò bao biện rất hồn nhiên “nhà bên cạnh họ làm thế. Cả làng này làm thế. Em không làm thế thì em…đói!”.

Chuyện làm giả hàng hóa, biến hóa thứ này thành thứ khác, thịt heo nái thành thịt đà điểu hay thịt bò, nước lã pha cồn thành rượu của một làng quê nổi tiếng; tại thời điểm bị phát giác có thể gây “sốc” đối với dư luận và người tiêu dùng nhưng cơn “sốc” rồi cũng qua nhanh bởi chuyện làm giả làm nhái cứ liên tục xảy ra – khi ở nơi này, mai ở nơi khác, trở thành “điệp khúc thân quen” với mọi người, mọi nhà.

Ai cũng biết việc làm giả sản phẩm, trục lợi bất chính từ người tiêu dùng trước tiên là vi phạm nguyên tắc đạo đức sau nữa là vi phạm pháp luật, bị pháp luật trừng trị - nhẹ thì phạt tiền, nặng thì vướng vào lao lý nhưng trong nhiều chục năm qua cả kẻ bất lương (làm hàng giả) và người tiêu dùng gần như thỏa hiệp – theo kiểu “hiểu lũ để sống chung với lũ”. Đề cập đến tình trạng hàng giả, hàng nhái có ở khắp nơi, một số ý kiến cho rằng tiếng nói, phản ứng của người tiêu dùng trước các vụ việc mà chính họ là nạn nhân chỉ như “ném đá ao bèo”. Trong nhiều hoàn cảnh, người tiêu dùng trở nên nhỏ bé, yếm thế trước các hành vi mua bán không đàng hoàng, thậm chí biết rõ mười mươi là lừa đảo

Nếu không có các trang mạng cá nhân thì những ngày qua, ít biết được trong dịp Tết Nguyên đán, tại một TP được coi là thân thiện của miền Trung, có du khách mua 2 hộp cơm ở một quán ăn với giá 400 ngàn đồng. Trong khi du khách đưa việc này lên trang mạng cá nhân, được cộng đồng cảm thông, chia sẻ thì cũng có ý kiến từ quan chức có trách nhiệm cho rằng “hộp cơm được bán đúng giá đã niêm yết”.

Phát biểu này vô hình trung đã dung dưỡng cho một hành vi không đẹp trong giao tiếp mua bán được gọi là “chặt chém”. Không thể có chuyện hộp cơm xào với vài lát mực có giá đến 200 ngàn đồng (trừ khi nó được cung cấp bởi một nhà hàng được xếp hạng 5 sao). Những ngày qua cũng tại TP này, một cá nhân cũng than phiền trên trang cá nhân chuyện cùng vài người bạn vào quán cà phê gọi đồ uống thông thường nhưng hóa đơn thanh toán lên đến gần 4 triệu đồng…

Dù Chủ tịch UBND TP nói trên đã có chỉ đạo yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, chấn chỉnh chuyện mua bán không đàng hoàng làm ảnh hưởng đến thương hiệu mà chính quyền và người dân TP dày công xây dựng nhưng bản thân việc “chặt chém” đã khiến không ít du khách thiếu cảm tình với nơi mà họ từng đặt chân đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thỏa hiệp với cái xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO