Không tố giác tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự

H.Vũ 21/06/2017 08:15

Chiều ngày 20/6, với 88,39% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự cũng được thông qua ngay sau đó với 89,41% ĐBQH tán thành. Trước đó, sáng ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với 92,46% ĐBQH tán thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các ĐBQH tại phiên họp ngày 20/6. (Ảnh: Quốc Anh).

Cần thiết phải ngăn chặn hậu quả xảy ra

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày: Về sửa đổi, bổ sung Điều 19 - không tố giác tội phạm của BLHS năm 2015 (Khoản 5 Điều 1 của Dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị giữ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa như BLHS năm 2015 để bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự của Nhà nước ta, tăng cường trách nhiệm công dân của người bào chữa trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng theo bà Nga: Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị 2 phương án.

Phương án 1: Chỉ quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp “không tiết lộ thông tin về tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc), Điều 109 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 112 (tội bạo loạn), Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và Điều 123 (tội giết người) khi có căn cứ rõ ràng cho thấy tội phạm đó đang thực hiện hoặc đang chuẩn bị thực hiện mà cần thiết phải ngăn chặn hậu quả xảy ra”.

Phương án 2: Đề nghị bỏ Khoản 3 Điều 19 của BLHS năm 2015. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, về nguyên tắc, với tư cách là công dân thì người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. Nhất quán chính sách này, BLHS các năm 1985, 1999 tội phạm (Điều 19 BLHS năm 1985, Điều 22 BLHS năm 1999). Trong suốt hơn 30 năm (từ năm 1985-2015), chính sách của Nhà nước ta về trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa được xác định như mọi công dân khác”- bà Nga cho hay.

Nhấn mạnh “năm 2015, cân nhắc đặc thù của hoạt động bào chữa, mối quan hệ giữa người bào chữa với người được bào chữa nên tại BLHS năm 2015, Quốc hội đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn chính sách này theo hướng thu hẹp một phần phạm vi trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác trong việc không tố giác tội phạm. Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”, bà Nga nói: “Vấn đề miễn trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa đối với hành vi không tố giác tội phạm của người mà mình bào chữa đã được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015.

Kết quả cho thấy, đa số ý kiến nhân dân không đồng ý miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa. Do đó, BLHS năm 2015 đã xác định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng (ở cả 3 giai đoạn: chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện tội phạm và đã thực hiện tội phạm), còn đối với các tội khác được quy định tại Điều 389 thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở 2 giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm; không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn đã thực hiện tội phạm”.

Qua báo cáo của cơ quan có thẩm quyền, cân nhắc kỹ nhiều mặt, UBTVQH xin Quốc hội cho tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉnh lý Khoản 3 Điều 19 của BLHS 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm. Theo đó, người không tố giác là người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Quản lý chặt việc cho thuê mặt nước biển

Góp ý kiến thảo luận về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) đưa ra phân tích: Tại Khoản 5 Điều 44 quy định về thời hạn cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm. Khi hết thời hạn sẽ giao cho thuê, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được ưu tiên xét giao cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Tương tự, ở Điều 46 về quyền của tổ chức, cá nhân được giao cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. “Đề nghị cần cân nhắc kỹ, không quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam chuyển nhượng cho thuê lại đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”- ông Sáng kiến nghị.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng đề nghị, cần quy định rõ hơn về việc Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê nếu trong quá trình sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, các tổ chức cá nhân được xác định là có biểu hiện, có dấu hiệu gây phương hại tới lợi ích quốc gia hay ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh.

“Cần nghiên cứu quy định trong luật để hạn chế việc giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng sau để chỉ đạo, điều hành, thao túng”- theo bà Hà. Từ đó bà đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động thủy sản được diễn ra tại địa phương.

“Người tại chỗ cho người ngoài thuê lại thì giải quyết ra sao?”- ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề. Và ông cho rằng: Cần cụ thể để không dễ bị lợi dụng cũng như việc cho người nước ngoài thuê là cần thiết để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. “Nếu họ thuê ở khu vực ngoài khơi xa bờ sẽ rất khó quản lý về an ninh quốc gia cho nên cần quy định chặt chẽ để tránh tiềm ẩn nguy cơ, vừa không làm khó cho doanh nghiệp nước ngoài, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh hoặc người địa phương cho người nước ngoài thuê lại trên mặt nước đã thuê của Nhà nước cần làm rõ nếu không sẽ phức tạp. Nếu thuê từ 2 tỉnh trở lên thì cấp nào được cho thuê?”- ông Hòa nói.

Theo kế hoạch, hôm nay 21/6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV họp phiên bế mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không tố giác tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO