Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định): Bỏ hoang đến bao giờ?

Trần Duy Hưng 25/05/2017 10:00

Được giao đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng từ năm 2006 nhưng 11 năm qua nhà đầu tư mới chỉ san lấp mặt bằng, đầu tư dang dở một số hạng mục hạ tầng rồi bỏ đó, khiến phần lớn diện tích đất của Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung dù nằm ở vị trí đắc địa vẫn bị bỏ hoang suốt từ đó đến nay.

Nhiều nãm nay Khu công nghiệp Mỹ Trung trong tình trạng hoang vắng.

Đất vàng bỏ hoang

Nhiều năm nay, đi qua Quốc lộ 10, đoạn qua địa bàn một bên là xã Mỹ Trung- huyện Mỹ Lộc, một bên là TP Nam Định, ai cũng dễ nhận ra vị trí đắc địa của KCN Mỹ Trung vì nó nằm ngay ven đường. Tuy nhiên, đi vào phía trong ai cũng giật mình vì sự hoang vắng ở đây.

Cụ thể, hai bên con đường nối từ Quốc lộ 10 vào khu trung tâm xã Mỹ Trung, thay bằng thấy các công ty, nhà máy lại chỉ thấy những khu đất rộng mênh mông bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Các hạng mục hạ tầng thiết yếu của một KCN như đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước...đều trong tình trạng thi công dang dở.

Thông tin cụ thể về thực trạng KCN này, ông Trần Minh Hoan, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Nam Định cho biết: KCN Mỹ Trung rộng hơn 150 ha, được tỉnh giao cho Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nay thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam) là nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng từ năm 2006. Khi đó, mức đăng ký đầu tư của doanh nghiệp này là gần 359 tỷ đồng.

“Nằm ở vị trí đắc địa, liền kề TP Nam Định, giao thông thuận lợi nên khi triển khai dự án KCN này, tỉnh Nam Định đặt rất nhiều kỳ vọng, với định hướng tập trung thu hút các dự án sản xuất bằng công nghệ hiện đại, tạo sự bứt phá về thu ngân sách cho địa phương”, ông Hoan nhớ lại.

Sau khi được chính quyền tỉnh cấp phép đầu tư, Công ty Hoàng Anh đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây tường bao, triển khai xây dựng các hạng mục đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước. Một số đơn vị của tỉnh cũng đã thực hiện cấp điện, nước sạch, hạ tầng thông tin liên lạc... phục vụ hoạt động của KCN này.

Cũng theo ông Hoan, thời gian đầu, KCN Mỹ Trung cũng đã thu hút được 13 nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất, xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 26 ha, trong đó có 2 doanh nghiệp đến từ Hồng Kông, Nhật Bản.

Tuy nhiên, như đã biết, sau đó khủng hoảng kinh tế xảy ra cùng với nhiều sai phạm nghiêm trọng trong đầu tư đã dẫn tới việc Tập đoàn Vinashin sụp đổ, hàng loạt dự án đầu tư của tập đoàn bị đình trệ. Một trong số đó chính là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung (thông qua công ty con là Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh).

11 năm qua, hơn 83 ha đất thương mại còn lại của KCN chỉ để cỏ mọc. Bản thân ông Trần Văn Tuyên, giám đốc Công ty Hoàng Anh thời điểm đó đang phải thụ án tù giam vì những sai phạm liên quan đến kinh tế...

Hậu quả dai dẳng

Theo ông Trần Minh Hoan, sau “sự cố Vinashin”, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Nam Định, Công ty Hoàng Anh đã nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung. Trong đó, vào tháng 7-2012, trên cơ sở chấp thuận của UBND tỉnh Nam Định, Hoàng Anh đã ký hợp đồng, chuyển nhượng vai trò đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung cho Công ty CP Quản lý KCN Việt Nam-Nhật Bản.

Khi đó, tại lễ ký kết chuyển nhượng, bàn giao, đại diện nhà đầu tư mới này cam kết xây dựng KCN Mỹ Trung thành KCN kiểu mẫu, theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp từ quốc gia này. Tuy nhiên, chỉ sau lễ ký kết không lâu, nhà đầu tư này lại xin rút khỏi vai trò nhà đầu tư thay thế. Từ đó đến nay, theo Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định có thêm khoảng 4 nhà đầu tư mới về đàm phán với tỉnh về việc nhận chuyển giao KCN. Tuy nhiên, sau đó không thấy nhà đầu tư nào quay lại.

“Trong bối cảnh đó, nhiều năm nay tỉnh rất muốn thu hồi lại đất đã giao cho Công ty Hoàng Anh. Theo luật, dự án nào không hoàn thành đầu tư đúng tiến độ hoặc không có điều kiện để triển khai tiếp, chính quyền có quyền thu hồi lại đất để giao cho các nhà đầu tư khác. Cái khó của tỉnh lâu nay là hạ tầng KCN Mỹ Trung được Công ty Hoàng Anh đầu tư từ nguồn vốn Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế. Nguồn vốn này Chính phủ đang phải trả nợ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các dự án gặp khó khăn của Vinashin trước đây, TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hiện nay các địa phương không thực hiện thu hồi đất mà tìm cách chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới để thu hồi vốn”, ông Hoan cho biết thêm về lý do đến nay KCN Mỹ Trung vẫn đang bị bỏ hoang.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 23/5, thông tin với PV Đại Đoàn Kết, ông Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, mới đây, thay mặt chính quyền tỉnh, ông đã có buổi làm việc với đại diện TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Công ty mẹ của Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh).

Theo ông Tự, tại buổi làm việc, hai bên đã nhất trí sẽ báo cáo Chính phủ, các bộ ngành liên quan về việc để Công ty Hoàng Anh trả lại đất KCN Mỹ Trung cho tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, theo ông Ngô Gia Tự, tinh thần buổi làm việc là vậy nhưng sau đó “không thấy họ (Tổng Công ty CP công nghiệp tàu thủy Việt Nam) ra văn bản”. Mặc dù vậy, theo ông Ngô Gia Tự không thể kéo dài mãi việc để một KCN nằm ở vị trí thuận lợi như KCN Mỹ Trung phải bỏ hoang, gây quá nhiều lãng phí.

“UBND tỉnh sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh được thu hồi lại đất KCN Mỹ Trung. Chủ tịch Phạm Đình Nghị sẽ trực tiếp ký công văn”, ông nhấn mạnh.

Như vậy, vẫn chưa biết tới đây “số phận” của KCN Mỹ Trung sẽ ra sao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định): Bỏ hoang đến bao giờ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO