Khúc mắc tỷ lệ điều tiết thu ngân sách xã, phường

Nam Khánh 02/06/2021 09:00

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước, trong thời kỳ ổn định ngân sách, không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách. Cuối năm 2020, thu ngân sách Hải Phòng không những ổn định mà còn tăng mạnh thế nhưng HĐND vẫn điều chỉnh tỷ lệ % khoản thu tiền sử dụng đất vốn trước đây thuộc về ngân sách xã, huyện về ngân sách thành phố.

Ổn định ngân sách cấp huyện

Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, năm 2016, HĐND TP Hải Phòng có Nghị quyết 152/NQ-HĐND phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương năm 2017. Nghị quyết này quy định cấp huyện, cấp xã được phân chia tỷ lệ % giữa ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện và ngân sách xã, phường, thị trấn về tiền sử dụng đất.

Trong đó, riêng việc thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đối với những dự án do cấp huyện thực hiện, tỉ lệ điều tiết thu ngân sách ba cấp được xác định, ngân sách TP 10%, ngân sách huyện 50% và ngân sách xã 40% số tiền thu được.

Việc Hải Phòng phân chia, điều tiết tỷ lệ % tiền sử dụng đất do cấp huyện thực hiện cho ngân sách cấp huyện, cấp xã là phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tỷ lệ điều tiết thu ngân sách nhằm đảm bảo nguyên tắc phân cấp tối đa nguồn thu tại chỗ; phân cấp tỷ lệ % tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp huyện, cấp xã để hai cấp chính quyền địa phương cân đối nguồn thu với việc chi đầu tư phát triển trên địa bàn, hạn chế yêu cầu bổ sung cân đối từ ngân sách cấp thành phố.

Theo đánh giá của một vị lãnh đạo TP Hải Phòng, việc điều tiết tỷ lệ % tiền sử dụng đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất do cấp huyện thực hiện cũng là biện pháp dùng chính nguồn tiền thu được từ loại tài sản đặc biệt này đầu tư lại hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công ích như đường giao thông, trường học, trạm xá, bệnh viện cho người dân khu vực có đất bị thu hồi được thụ hưởng. Ngoài ra, đây cũng là nguồn lực để chính quyền địa phương chủ động hỗ trợ người có đất bị thu hồi chuyển dịch ngành nghề, đào tạo nghề để ổn định cuộc sống.

Tạo cơ chế xin - cho?

Tuy nhiên, việc điều tiết % tỷ lệ thu ngân sách từ tiền sử dụng đất cho cấp xã và cấp huyện thụ hưởng đã kết thúc từ năm 2020. Nguyên nhân do cuối năm 2020, HĐND TP Hải Phòng có nghị quyết mới là Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND để điều chỉnh, bãi bỏ hẳn Điều 8 của Nghị quyết 152/NQ-HĐND, điều khoản quy định việc điều tiết tỷ lệ % nguồn thu từ tiền sử dụng đất do cấp quận, huyện thực hiện. Từ năm 2021, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất do cấp huyện làm chủ đầu tư được tập trung về ngân sách thành phố.

Theo Dự toán ngân sách năm 2021, Hải Phòng dự kiến sẽ thu khoảng 6.000 tỷ đồng từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, phần lớn số tiền đấu giá được là từ các dự án được phân cấp cho cấp huyện thực hiện. Trước đây, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách hai cấp xã, huyện được 90% số thu này. Đến nay, toàn bộ số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất được tập trung về ngân sách thành phố.

Nhiều lãnh đạo quận, huyện của Hải Phòng khi được đặt vấn đề ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã không được thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đều chia sẻ, thẩm quyền phân chia, điều tiết tỷ lệ % nguồn thu thuộc HĐND TP Hải Phòng. HĐND TP Hải Phòng đã quyết định, cấp quận, huyện phải thực thi.

Có không ít lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện An Dương, Thủy Nguyên, những huyện mà hàng năm có số thu lớn từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất do cấp huyện thực hiện đã bày tỏ không được điều tiết % tỷ lệ thu ngân sách cho địa phương từ nguồn thu tại chỗ, các xã sẽ không chủ động trong nguồn vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, công trình công ích, công trình phúc lợi trên địa bàn.

Vị lãnh đạo xã phân tích, trước đây, nếu muốn cải tạo, nâng cấp, đầu tư công trình công ích, công trình phúc lợi trên địa bàn, những hạng mục đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của cấp xã, của cấp huyện thì chỉ cần HĐND cùng cấp quyết định, phê duyệt vì cấp cơ sở chủ động được nguồn vốn theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Đến nay, do không tự chủ về nguồn thu tiền sử dụng đất, một nguồn thu đáng kể của địa phương nên dẫn đến nguồn vốn tự chủ bị hạn hẹp.

Bởi vậy, theo Luật Đầu tư công, nếu chính quyền cấp xã, cấp huyện muốn cải tạo, đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi, chính quyền cấp xã lại phải làm tờ trình xin chủ trương đầu tư, xin ghi vốn đầu tư từ UBND cấp huyện, trình UBND cấp huyện.

Cấp huyện tiếp tục làm tờ trình, xin thành phố chủ trương phê duyệt đầu tư, xin quyết định ghi vốn đầu tư cho những hạng mục công trình sử dụng vốn ngân sách lẽ ra thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã, cấp huyện.

Thành phố có quyết định ghi vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư mới thực hiện được, như thế xuất hiện cơ chế xin - cho từ thành phố đến xã, huyện trong lĩnh vực đầu tư công tại các công trình đầu tư thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã, khiến cho việc phân cấp, phân quyền đầu tư theo Luật Đầu tư công không phát huy hiệu quả.

Chưa hết, nguồn vốn hỗ trợ dịch vụ, chuyển đổi việc làm cho người dân địa phương vốn được lấy từ một phần nguồn thu từ tiền sử dụng đất cũng không có, người dân sẽ giảm cơ hội hỗ trợ chuyển đổi nghề, học nghề và sẽ khó nghiêm túc thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Thậm chí, do không có nguồn thu này dẫn đến tâm lý một số lãnh đạo địa phương không muốn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, vị lãnh đạo xã chia sẻ. Nếu điều này diễn ra sẽ dẫn đến việc phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai bị hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khúc mắc tỷ lệ điều tiết thu ngân sách xã, phường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO