Khuyến khích các trường chủ động tuyển sinh

Vi Cầm 10/04/2020 08:00

Năm 2020, các trường đại học (ĐH) sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Ngoài xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, nhiều trường còn sử dụng cả phương thức xét học bạ. Những phương thức tuyển tuyển sinh chủ động, phong phú đang mở rộng cơ hội vào ĐH cho những người có nguyện vọng và năng lực.

Khuyến khích các trường chủ động tuyển sinh

Năm 2020, nhiều trường sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Giữ ổn định tuyển sinh

Tại hội nghị trực tuyến tuyển sinh ĐH-CĐ 2020 tổ chức cách đây ít lâu, lãnh đạo Bộ GDĐT khẳng định, việc tuyển sinh sẽ giữ ổn định, khắc phục những điểm còn bất cập, gây bức xúc cho dư luận. Đơn cử như việc một số trường công bố mã ngành chưa phù hợp, sát với thực tiễn. Điểm đầu vào của một số trường thấp khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo. Bộ GDĐT cũng đề nghị các trường phổ thông, Sở GDĐT phải kết hợp với các trường ĐH trong công tác hướng nghiệp. Các trường ĐH cần đảm bảo tính trung thực trong thông tin tuyển sinh để học sinh, phụ huynh tham khảo.

Thời gian qua, trước tình hình học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày để phòng chống Covid- 19, người học không khỏi băn khoăn, khi Bộ lùi lịch thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh ĐH diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ đã và đang chỉ đạo, phối hợp với cơ sở giáo dục ĐH chủ động tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực đang có để đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Phúc phân tích: Trong điều kiện kỳ thi THPT quốc gia diễn ra muộn hơn, các mốc thời gian xét tuyển ĐH, CĐ cũng sẽ lùi tương ứng. Kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, ngày 31/12. Các năm trước, dù kế hoạch tuyển sinh của hầu hết trường bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết năm, thực tế, các trường kết thúc tuyển sinh vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, đa số ngừng tuyển sinh vì không phù hợp kế hoạch năm học và hầu như hết nguồn tuyển. Như vậy, tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng kết quả. Các cơ sở giáo dục ĐH vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.

Theo ông Phúc, về quy định, Bộ GDĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Với quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Căn cứ kết quả tuyển sinh đợt 1 và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020. Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh sẽ chủ động và linh hoạt hơn. Theo quy chế tuyển sinh, các trường xác định và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký.

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Nhiều trường ĐH đã sớm công bố phương án tuyển sinh 2020 từ rất sớm. Theo đó, nhiều hình thức tuyển sinh được xem là tạo thuận lợi cho người học có nguyện vọng và khả năng, hoặc là giảm áp lực thi cử.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây đã chính thức thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH năm 2020. Dự kiến kỳ thi này diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể, trường sẽ có 4 phương thức tuyển sinh, dự kiến tuyển khoảng 6.800 chỉ tiêu cho 58 mã xét tuyển thuộc các ngành và chương trình đào tạo. Bao gồm 3 phương thức cũ là: Giữ ổn định phương thức tuyển thẳng như năm 2019 với xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; Xét tuyển thẳng vào các chương trình đào tạo quốc tế đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT, ACT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của trường; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.

Kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức (phương thức thứ 4) sẽ được tiến hành song song, độc lập với các phương thức còn lại. PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: Kỳ thi riêng do trường tổ chức sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học trình độ ĐH chính quy của ĐH Bách khoa Hà Nội, nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng giảng dạy của nhà trường. Thí sinh là học sinh THPT trên toàn quốc dự vòng sơ tuyển theo kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó làm bài thi được thiết kế phù hợp trình độ THPT, có tính phân loại. Về thời điểm diễn ra kỳ thi riêng, PGS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, trường dự kiến tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến ngày 26/7.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lịch thi cũng như kế hoạch thi THPT quốc gia 2020 ít nhiều tác động đến tâm lý người học. Học thế nào, thi ra sao đang là mối băn khoăn của nhiều sĩ tử. Thật may, nỗi lo lắng này đã có thể được giải tỏa bởi chính sách xét tuyển ĐH linh hoạt từ các trường. Cho dù lịch thi THPT quốc gia được Bộ GDĐT dời sang tháng 8, nhưng nhiều trường ĐH đã tuyển sinh bằng học bạ ngay trong tháng 4.

Đơn cử như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ trực tuyến từ ngày 6/4; với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thí sinh có thể gửi hồ sơ xét tuyển trực tuyến từ ngày 15/4; Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ qua bưu điện bắt đầu từ ngày 20/4…

Phân tích từ các chuyên gia tuyển sinh, xét tuyển học bạ tạo điều kiện cho thí sinh giảm bớt áp lực ôn tập, thi cử. Nhưng nhiều băn khoăn lo lắng cũng đặt ra về chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo. Bởi xét tuyển bằng học bạ, nếu không được kiểm soát sẽ có tình trạng làm đẹp học bạ bậc THPT để phục vụ cho phương thức xét tuyển này…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuyến khích các trường chủ động tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO