Kì thị gây ra nguồn năng lượng cực xấu

Việt Quỳnh (thực hiện) 10/03/2020 14:22

“”Kì thị” theo từ điển thì nó là sự phân biệt đối xử cái này với các khác, đối đãi khác nhau bên khinh bên trọng... Kì thị thường mang nghĩa tiêu cực, nghĩa xấu, nhất là khi nói về việc phân biệt giới tính, phân biệt người khuyết tật, lớn hơn là phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc.

Kì thị gây ra nguồn năng lượng cực xấu

Nhà thơ - nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ:

“Tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều vùng miền, nhiều hoàn cảnh và nhiều cách sống trong những thời điểm khác nhau của cuộc đời, quả thật là có gặp những câu chuyện về kì thị. Chẳng hạn như với những người bị tự kỉ, những người khuyết tật. Họ thực tế là những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng thực sự là họ không gặp được nhiều ánh mắt cảm thông hay sự sẻ chia từ cộng đồng, mà thường sẽ gặp sự ái ngại, trở ngại, sự kì thị vì họ không bình thường. Tôi cũng từng biết nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đi bán hàng rong, đi ăn xin, những em bé lang thang cơ nhỡ, hoặc những người bị bệnh lây nhiễm, ở một mức độ nào đó đều chịu những sự kì thị nhất định từ phía cộng đồng. Hàng xóm nhà tôi sống có một anh bị tự kỉ, năm nay cũng đã 50 tuổi, nhưng hoàn toàn không nhận được ánh mắt thiện cảm từ phía một số người hàng xóm xung quanh, thậm chí anh ta còn bị kì thị đến mức có những người dường như không chơi cùng hay không thể hiện sự quen biết.

“Kì thị” là một cách loại trừ và chối bỏ cá nhân đó, tách họ ra khỏi đời sống của chủ thể nảy sinh sự kì thị?

Tôi cho rằng, kì thị trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, nhưng để loại trừ và chối bỏ một cá nhân nào đó, tách họ ra khỏi đời sống của chủ thể nảy sinh sự kì thị thì là những trường hợp mất nhân tính, hoặc thực sự là người bị kì thị đã mang lại cho xã hội, cho con người những ảnh hưởng cực xấu. Còn thực tế thì sự kì thị hoặc phân biệt trong môi trường bình thường chủ yếu là xa lánh, không quan tâm hoặc phân biệt đối xử không công bằng gây tổn hại đến tâm hồn, tính cách hoặc suy nghĩ...

Cuộc sống nảy sinh rất nhiều những biểu hiện của sự kì thị, từ những kì thị lớn lao về chủng tộc, giới tính, quốc tịch, tôn giáo… đến gần gũi hơn là kì thị về giới tính, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần hay gần đây nhất là người mắc bệnh truyền nhiễm…

Rõ ràng, đã là cuộc sống muôn màu thì không thể thiếu những hoàn cảnh khác nhau nảy sinh ra sự kì thị. Điều quan trọng hơn là bản thân mình hiểu, đối xử và đứng về phía nào để có những kết quả đúng đắn, hài hòa nhất, có nhân tính nhất. Cái gì đi quá giới hạn cũng trở nên không bình thường và sẽ có sự sai lệnh nhất định...

Như vậy, sẽ có hậu quả gì, thưa chị?

Tôi lấy ví dụ từ người hàng xóm bị tự kỉ và bị xa lánh của tôi. Trong một mức độ bị kì thị nhất định, anh ta đối xử với những người bên cạnh khá nóng nảy, thậm chí đôi khi người ta nghĩ “tránh voi chả xấu mặt nào” hoặc “tránh đi cho lành” thì ngược lại, anh hàng xóm cũng đối xử với những người tỏ vẻ xa lánh, kì thị anh ta theo một cách tương tự. Ngược lại, bản thân tôi, là một người sát vách, tôi có cách chuyên trò, gần gũi và chia sẻ hoàn cảnh của anh ấy, hiểu và cảm thông cũng như đôi khi điều cần nhất là sống với họ thật tình cảm và ấm áp, thì quả thật là tôi nhận được những điều ngược lại từ người đàn ông tự kỉ ấy. Hoặc tôi có một chị bạn, chị ấy là một nhà văn bị khuyết tật. Chị ấy nhìn đời khá khắc nghiệt và bảo thủ, thậm chí đôi khi còn cay nghiệt nữa. Chị ấy không chơi cùng ai và nép vào thế giới của mình đầy sự an toàn. Nhưng đó thực ra đó là một cách “tự vệ” của chị trước những ánh mắt kì thị và những người không dành cho chị sự thiện cảm và trân trọng. Điều này ở một góc độ nào đó, sự kì thị đã gieo vào lòng những người bị kì thị một năng lượng cực xấu, một sự phản kháng và đôi khi là cả một sự tổn thương ghê gớm mà không phải lúc nào họ cũng nói ra hay biểu hiện ra được...

Gần đây là với dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, nhiều người châu Á than thở rằng họ bị người dân ở các nước sở tại xa lánh và nhìn họ với sự đầy nghi ngại, chị chia sẻ sao về điều này?

Sự kì thị trong phân biệt đối xử và sự phòng tránh bệnh dịch là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tôi cho rằng, việc cách ly hay chịu sự “quản thúc” khi nhiễm căn bệnh lây lan Covid-19 là điều mà cả thế giới đang nỗ lực để làm và phòng tránh để giảm thiểu ít nhất số người bị thương vong liên quan đến con virus nguy hiểm này. Ở đây nó không còn đơn giản là sự kì thị hay xa lánh, mà liên quan đến tính mạng của nhiều con người, là ranh giới giữa sống và chết, giữa sự khoanh vùng và lây lan diện rộng. Ở góc độ này, cách ly là việc mà cả thế giới đang làm để cứu con người, thì lại là một việc làm đầy ý thức trách nhiệm và đòi hỏi sự trung thực, chung tay của cả cộng đồng rộng lớn...

Làm thế nào chúng ta tránh được ảnh hưởng xấu về sức khỏe, tinh thần cho bản thân nhưng không để người khác cảm giác rằng chúng ta kì thị họ?

Tôi nghĩ rằng, việc này không còn là sự ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần nữa, nó liên quan đến sự tồn vong của một số phận, một vùng đất, thậm chí là một dân tộc. Ngoài việc cần sự tự giác của chính họ, sự bản lĩnh vươn lên của người bệnh, thì cần sự quan tâm của bạn bè, sự hỏi han chia sẻ của các cấp chính quyền, cung cấp thực phẩm, chăm sóc y tế... Tất cả những điều này thì chúng ta đang làm rất tốt và có hiệu quả rõ rệt để đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm đang lây lan toàn cầu này.

Qua thời gian diễn ra dịch bệnh vừa rồi, chúng ta thấy được sự nhân văn của các y bác sĩ Việt Nam, khi họ để việc cứu chữa bệnh nhân lên hàng đầu, một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh và khi rời viện, ai cũng rời viện với bó hoa tươi trên tay. Nhất là với cha con người Vũ Hán, hai ca đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã được chữa khỏi và họ gửi lời cảm ơn trân trọng tới VIệt Nam. Chị chia sẻ sao về điều này?

Tôi cũng như nhiều người Việt Nam chúng ta cũng đã theo dõi từng giờ, từng ngày tình hình bệnh tật. Vì rõ ràng, nó ảnh hưởng đến nhiều thứ trong đời sống. Các con nghỉ học, công sở vắng lặng, đi đâu cũng nhớ tới việc diệt khuẩn, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang y tế... Nhưng rõ ràng, chúng ta đã làm thật sự tốt. Các bác sĩ Việt Nam luôn lấy y đức là đầu và những gì họ thể hiện đã có nhận được những lời tri ân từ cộng đồng không chỉ trong nước mà còn trên quốc tế.

Về việc Việt Nam đón 30 công dân Việt tại Vũ Hán thì sao?

Cho đến thời điểm này, khi chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và theo thống kê thì nhiều ngày gần đây hoàn toàn không phát hiện ca nhiễm mới, chứng tỏ chúng ta đã quá xuất sắc. Mọi sự bây giờ đều mong muốn thế giới tìm ra văcxin chống lại Covid-19 để chúng ta được yên tâm sống trong thế giới êm đẹp của mình.

Với chị, phải chăng sự nhân văn, tinh thần hòa ái với trái tim tràn ngập yêu thương mới là ánh sáng để đẩy lùi sự kì thị, cũng như sẽ làm tiêu tan bệnh tật?

Tôi là người viết nhiều về những tấm gương vượt qua khó khăn, gian khổ, những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống để làm chủ và khẳng định chính mình. Tôi rất tin và điều bạn nói. Có ý chí và nghị lực, có một trái tim nồng nàn yêu thương sẽ vượt qua được nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có những tấm gương về sự tỏa sáng vượt lên bệnh tật mà không phải trong sách vở mà thực sự là trong cuộc sống tôi đã gặp. Những cô gái bị ung thư giai đoạn cuối vẫn tỏa sáng như một đóa hoa đẹp rạng ngời, khiến họ dù đã ra đi vĩnh viễn nhưng những điều tốt đẹp của họ vẫn tỏa sáng tới mai sau. Có những chàng trai khuyết tật trong sự khốn cùng và bế tắc cuối cùng vẫn tìm ra cho mình và bạn bè cùng cảnh ngộ một hướng đi vượt lên nỗi sợ và sự kì thị để sống đẹp mỗi ngày. Trong cuộc sống nhiều người đang tự vượt lên chính mình và đang tỏa sáng theo một cách riêng của họ, để thực sự cảm ơn cuộc đời vì mình đã được sinh ra làm người, để được mỗi ngày tìm một niềm vui nhìn vào thế giới...

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kì thị gây ra nguồn năng lượng cực xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO