Kiểm định chất lượng: Tăng quyền tự chủ cho trường đại học

Mạnh Dũng 20/09/2017 10:30

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP HCM vừa trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Mở TP HCM. Như vậy đây là trường thứ 51 đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD- ĐT.

Mới đây ĐH Bách khoa Hà Nội là 1 trong 4 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế.

Cũng theo quy định của Bộ, từ nay đến hết tháng 6/2018, các trường ĐH phải hoàn tất việc đánh giá và công nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở. Trường đạt chuẩn sẽ được ưu tiên chọn lựa đầu tư phát triển, ngược lại không đủ chất lượng sẽ bị hạn chế quyền tự chủ. Nếu liên tục trong 3 năm vẫn không được công nhận thì sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ tuyển sinh.

Tiền đề cho chiến lược dài hơi

Theo đó, Trường ĐH Mở TPHCM được đánh giá đạt 52/61 tiêu chí, đạt 85.25%. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa- phó giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng việc nhà trường đạt chất lượng kiểm định là tiền đề để trường tiếp tục các mục tiêu, chiến lược dài hơi của mình. Trước đó, vào tháng 2-2017, Trường ĐH Duy Tân là trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, với kết quả có 52/61 tiêu chí đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 85,25%.

ĐH Duy Tân là 1 trong 40 trường ĐH tham gia Kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2009, và là 1 trong 30 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam kiểm định theo bộ tiêu chuẩn mới của Bộ GD-ĐT.

Đến nay, có 51 trường ĐH, CĐ trong cả nước đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục.

Mặc dù kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác, song theo các chuyên gia giáo dục, hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục còn gặp nhiều cái khó. Thứ nhất là thiếu sự quyết tâm, cam kết thực hiện của lãnh đạo nhà trường.

Tiếp đó nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên, sinh viên về công tác kiểm định chất lượng giáo dục chưa cao; Việc thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai, viết báo cáo tự đánh giá để tiến hành kiểm định chất lượng; Khó khăn trong việc thu thập, sử dụng, quản lý minh chứng phục vụ tự đánh giá.

Trước đây, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng gồm có 61 tiêu chí. Tháng 5/2017, Bộ GD-ĐT ra thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Theo đó, bộ tiêu chuẩn mới có những tiêu chuẩn và tiêu chí tăng đáng kể so với bộ tiêu chuẩn hiện hành. Quy định mới cũng quy định rõ quy trình đánh giá chất lượng các trường đại học gồm 4 bước: Tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Theo quy định mới, các tổ chức kiểm định sẽ công khai kết quả đánh giá ngoài 15 ngày trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm định cho các trường.Giấy chứng nhận kiểm định cũng được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chậm nhất 5 ngày sau khi cấp.

Ngoài ra, các tổ chức kiểm định còn phải công khai danh sách các trường đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời rà soát giữa chu kỳ đối với cơ sở giáo dục vào thời điểm 2,5 năm sau khi được công bố.

Kiểm định chất lượng là yêu cầu sống còn

Từ cuối năm 2106, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chế tài cụ thể đối với các trường không tham gia hoặc không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Theo đó, Bộ sẽ đánh giá năng lực của các trung tâm KĐCLGD hiện có, bao gồm tự đánh giá của từng trung tâm và đánh giá ngoài bởi các tổ chức đánh giá độc lập. Trung tâm nào không đáp ứng yêu cầu theo quy định sẽ không được tiếp tục kiểm định.

Trước những băn khoăn về chất lượng kiểm định giáo dục ĐH hiện nay, GS.TS Nguyễn Quý Thanh- giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội khẳng định, không có chuyện 100% trường tham gia là đều được công nhận như lầm tưởng của một số người. Theo ông Thanh, trước nay hệ thống giáo dục đại học của chúng ta chưa áp dụng chuẩn, nay phải áp dụng. Bộ tiêu chí “đo” trường ĐH của Việt Nam tiệm cận với các tiêu chí của các trường ĐH châu Á thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, hướng tới đạt chuẩn ngang khu vực.

Theo đó, các trường ĐH tham gia kiểm định chất lượng sẽ được đoàn đánh giá ngoài nhà trường thực hiện rà soát tổng thể 61 tiêu chí một cách minh bạch, khách quan, công bằng. Ông Thanh cũng chia sẻ, không ít trường ĐH danh tiếng, được xếp hàng “top”, nhưng khi được kiểm định thì vẫn còn nhiều tồn tại. Do đó, không phải cơ sở giáo dục ĐH nào khi được đánh giá cũng đủ điều kiện để trình báo cáo lên hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm “kiểm định chất lượng” được đưa vào Luật Giáo dục 2005. Từ đó đến nay, hoạt động kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bộ GD- ĐT ban hành kế hoạch kiểm định với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các trường đại học trong cả nước phải được kiểm định.
Tính đến hết ngày 30/6/2017, có 246 cơ sở giáo dục đại học; các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định. Trong đó có 51 trường được tổ chức kiểm định chất lượng đánh giá ngoài; 30 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo kết quả thống kê của 4 trung tâm kiểm định trực thuộc các đơn vị: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Đà Nẵng và Hiệp Hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm định chất lượng: Tăng quyền tự chủ cho trường đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO