Kiểm soát chất lượng kiểm toán

H.Vũ 26/10/2019 09:26

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều ngày 25/10. (Ảnh: Quang Vinh).

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hết sức cần thiết để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và chất lượng trong hoạt động kiểm toán, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các văn bản dưới luật để điều chỉnh, thực tế đã tổ chức bộ máy và đang triển khai kiểm soát chất lượng kiểm toán có hiệu quả. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung để luật hóa nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán là phù hợp.

Bày tỏ quan điểm Dự thảo luật đã bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, quyền được khiếu nại về hành vi của thành viên đoàn kiểm toán về kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước để khách quan công bằng và bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này tuy nhiên ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn về kiểm soát quyền lực trong kiểm toán chưa được thể hiện rõ khi kiểm toán chỉ báo cáo Quốc hội nhưng mối quan hệ với cơ quan dân cử tại địa phương như HĐND, đoàn ĐBQH trong kiểm soát quyền lực chưa được thể hiện rõ. Do đó theo ông Tạo, Luật cần quy định về mối quan hệ trong phối hợp giữa Kiểm toán với các cơ quan dân cử như: HĐND, đoàn ĐBQH ở địa phương trong vấn đề giám sát tài chính.

Theo ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang), hiện đang xảy ra tình trạng chồng chéo trong thanh tra kiểm toán do đó việc phối hợp giữa kiểm toán và thanh tra để tránh chồng chéo trong thanh tra kiểm toán là vấn đề đang đặt ra hiện nay. Và Luật lần này đã cơ bản giải quyết được vấn đề chồng chéo. Tuy nhiên thực tế vẫn trùng lắp về niên độ, đối tượng kiểm toán, phần nào gây cản trở cho doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán. Do đó cần quy định về trách nhiệm để tránh chồng chéo trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Từ thực tế các đơn vị phải thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhưng không phải đơn vị nào cũng đồng tình với kết luận của Kiểm toán do đó cần quy định đối tượng kiểm toán được quyền khiếu nại kết luận của Kiểm toán và được quyền khởi kiện ra tòa về kết luận của Kiểm toán.

Cho rằng hiện nay Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định công khai, minh bạch của các đơn vị, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Luật Kiểm toán Nhà nước lần này cũng phải công khai minh bạch trong các hoạt động của kiểm toán, làm rõ các nội dung cần công khai. Theo ông Phương, luật quy định công khai báo cáo kiểm toán nhưng lại không quy định về thời hạn công khai báo cáo kiểm toán sẽ làm cho hiệu quả kiểm toán bị giảm đi rất nhiều.

“Do đó cần quy định thời gian công khai kết luận kiểm toán. Vì như trong Luật Thanh tra đã quy định, thanh tra phải công khai kết luận thanh tra sau 10 ngày từ khi kết luận thanh tra được hoàn thành và ban hành” - ông Phương cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát chất lượng kiểm toán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO