Kiểm soát Covid-19 khi ‘mở cửa’

LÊ ANH 18/10/2021 06:00

Hiện nay, khi nhiều địa phương bắt đầu chuyển trạng thái về giai đoạn “bình thường mới”, thì công tác kiểm soát dịch, nhất là việc phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Xử nghiêm để răn đe

Vụ án “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đầu tiên được Tòa án nhân dân TP HCM đưa ra xét xử vào cuối tháng 3/2021. Bị cáo Dương Tấn Hậu (29 tuổi), nguyên là tiếp viên hàng không, làm việc tại Vietnam Airlines. Bản án sơ thẩm kết luận, sau khi trở lại TP HCM, bị cáo dù đang trong thời gian thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly tập trung (quận Tân Bình), nhưng đã tiếp xúc nhiều người khác tại cả khu cách ly lẫn nơi lưu trú. Hành vi đó đã gây ra thiệt hại 4,4 tỷ đồng và gián tiếp khiến tình hình dịch bệnh tại TP HCM diễn biến phức tạp.

Cụ thể, có tới 861 người đã phải cách ly y tế tập trung và 1.400 người khác phải cách ly tại nơi cư trú. Bị cáo đã bị Tòa tuyên 2 năm tù nhưng được hưởng án treo cùng 4 năm thử thách.

Kể từ sau vụ án này, các địa phương đã tăng cường kiểm soát dịch, xử lý nghiêm các trường hợp từ “tâm dịch” TP HCM trở về địa phương tự phát, gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, chỉ đợt đầu tiên, riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau ghi nhận 30 ca mắc Covid-19, trong đó có 27 ca trở về từ vùng dịch. Bạc Liêu có 19 trường hợp bị phát hiện nhiễm bệnh khi từ vùng dịch trở về, trong khi Đồng Tháp ghi nhận tới 70 trường hợp mắc Covid-19 từ đoàn người trở về địa phương. Do đó, các địa phương còn tăng cường các chốt kiểm soát khu vực ngoại ô cũng có lý do của họ và nên là như vậy.

Đầu tháng 9/2021 trong lúc TP HCM đang áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, tuy nhiên vẫn có người cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch kể trên. Công an TP Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bị cáo Vũ Tiến Giang (47 tuổi) do làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, xảy ra tại phường 11, TP Vũng Tàu. Theo điều tra của cơ quan chức năng, dù biết khu trọ mình sinh sống tại quận Bình Thạnh (TP HCM) có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 nhưng bị cáo vẫn tự ý di chuyển bằng xe máy về Vũng Tàu để ở nhờ. Khi địa phương phát hiện người này bị nhiễm Covid-19 qua xét nghiệm nhanh, đã phát hiện nhiều người khác tiếp xúc đều có kết quả dương tính SARS-CoV-2, phải đưa đi cách ly tập trung.

Cùng thời gian này, Công an huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng đã khởi tố vụ án “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại một nhà trọ ở địa phương. Đáng chú ý, từ trường hợp này đã xuất hiện một ổ dịch Covid-19 bùng phát tại huyện Đức Trọng, khiến dịch bệnh lây lan phức tạp tại địa phương này.

Không chỉ cá nhân bị khởi tố do làm lây lan dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương cũng mạnh tay xử lý đại diện các công ty, tổ chức có hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh, gây lây lan cho nhiều người khác.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến một công ty trên địa bàn về tội “vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”. Theo kết quả điều tra, ông Nguyễn Chí Tâm. Giám đốc Công ty Thành Tâm đã có hành vi tự ý cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, gây hậu quả làm lây nhiễm bệnh Covid-19 cho người khác.

Mới đây nhất, Viện Kiểm sát nhân dân TP Bạc Liêu cũng đã phê chuẩn lệnh khám xét đối với Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Đông Anh do có hành vi “vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người” làm lây lan dịch bệnh Covid-19 tại địa phương này. Cụ thể, dù đang trong thời gian giãn cách xã hội nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, bị nhiễm bệnh, sau đó làm lây lan cho nhiều người. Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Bạc Liêu cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án.

Vẫn khó kiểm soát khi “mở cửa”

Kể từ đầu tháng 10, TP HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm nới lỏng giãn cách và áp dụng “bình thường mới” tại các vùng xanh sau khi kết thúc thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc ban hành Chỉ thị 18 về mở cửa và khôi phục kinh tế - xã hội, TP HCM thực hiện gỡ toàn bộ các chốt kiểm soát khu vực nội thành thành phố. Tuy nhiên, để đảm bảo không để các nguồn lây nhiễm di chuyển tự phát về các địa phương, TP HCM vẫn duy trì 12 chốt cửa ngõ và 39 chốt giáp ranh các tỉnh lân cận. Ngoài ra, Công an TP HCM chuyển lực lượng trực chốt sang thực hiện nhiệm vụ tuần tra lưu động, kiểm soát an ninh trật tự và phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Sau nửa tháng thực hiện Chỉ thị 18, TP HCM chưa phải xử lý thêm trường hợp có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Tây vẫn duy trì thường xuyên các chốt kiểm soát cửa ngõ với mục đích không phải kiểm soát về xe cộ mà nhằm kiểm tra về y tế. Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, người ra vào địa phương phải kiểm tra y tế. Tương tự, theo Tiểu ban An ninh trật tự phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre, hiện toàn tỉnh còn hơn 20 chốt kiểm soát dịch bệnh đang hoạt động. Tại Đồng Tháp, Đối với các chốt kiểm soát thì từ đầu tháng 10 đã dỡ bỏ các chốt nội tỉnh nhưng cũng còn 24 chốt giáp ranh các địa phương có dịch Covid-19 được duy trì.

Đánh giá về tình hình trên ở các địa phương, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, nhìn chung các địa phương vẫn lo lắng dịch bùng phát trở lại và đặc biệt là khó giữ vững các “vùng xanh” đang được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, khi TP HCM mở cửa và nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người đã trở về các tỉnh miền Tây, trong đó không ít địa phương truy vết hàng chục trường hợp nhiễm Covid-19.

Hiện nay, TP HCM và một số vùng dịch như Bình Dương, Đồng Nai…đang bắt đầu chuyển trạng thái “bình thường mới”, cũng như nới lỏng nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các địa phương vẫn cần đặc biệt cảnh giác và thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp để tránh bùng phát các đợt dịch trong tương lai.

Ngày 17/10, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, sau khi thống nhất với Công an tỉnh Long An, Sở GTVT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Long An cho phép dừng hoạt động tất cả các trạm kiểm tra các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó bao gồm các chốt, trạm trên các tuyến quốc lộ giáp ranh với tỉnh, thành khác và các chốt, trạm giữa các huyện thị xã thành phố trực thuộc. Nguyên nhân bởi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát.

Trước đó một ngày, tỉnh Long An cũng đã nới lỏng nhiều hoạt động của người dân như cho họp chợ truyền thống, ăn uống tại chỗ... Tuy nhiên, việc dạy và học vẫn tiếp tục thực hiện theo phương pháp trực tuyến dự kiến tới tháng 11/2021.

Đoàn Xá

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát Covid-19 khi ‘mở cửa’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO