Kiểm soát lây lan

Tinh Anh 31/07/2020 08:20

Camera của một siêu thị ở Đà Nẵng ghi lại được hình ảnh một người đàn ông lượn quanh, bôi nước bọt vào tất cả các loại thực phẩm bày bán trên giá. Hành động mất vệ sinh đã khiến dư luận bức xúc. Bình thường, việc bôi nước bọt vào thực phẩm đã hết sức phản cảm, khó có thể chấp nhận. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang quay trở lại hoành hành tại Đà Nẵng thì việc làm trên không chỉ mất vệ sinh mà còn tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh hết sức nguy hiểm.

Hậu quả của việc người đàn ông phun, nhổ nước bọt rồi bôi lên thực phẩm bày bán trên giá là siêu thị mini trên đường Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng phải tạm thời đóng cửa. Video ghi lại cảnh người đàn ông bôi bẩn thực phẩm bằng nước bọt được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phải rùng mình kinh sợ. Sợ là phải thôi, bởi trong mấy ngày qua, Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc mới Covid-19. Với tốc độ lây lan Covid-19 nhanh chóng như vậy thì bất kể hành vi mất vệ sinh nào cũng khiến người dân bị ám ảnh.

Ngay sau khi mạng xã hội “dậy sóng” với clip trên, lực lượng Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã vào cuộc xác minh, điều tra. Kết quả xác định người đàn ông nhổ nước bọt bôi vào thực phẩm bày bán trên giá trong siêu thị lại là người... tâm thần. Cơ quan chức năng TP Đà Nẵng khẳng định, người đàn ông trên mới chỉ xuất viện tâm thần có hai ngày. Và tất nhiên, đã là người tâm thần thì dù có phạm pháp hình sự còn được miễn truy cứu trách nhiệm, nói gì đến việc chỉ nhổ nước bọt vào thực phẩm trong siêu thị.

Việc “tha bổng” người đàn ông tâm thần nhổ nước bọt bôi vào thực phẩm bày bán trong siêu thị thì đương nhiên sẽ không ai dám có ý kiến gì, bởi anh ta không ý thức được hành vi của mình có nguy hiểm cho cộng đồng xã hội hay không. Song, việc bệnh viện tâm thần cho một người chưa khỏi bệnh xuất viện để rồi có hành vi mất vệ sinh, tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh thì lại cần phải xem xét, mổ xẻ vấn đề. Giả sử, người đàn ông nói trên mang theo mầm bệnh Covid-19, vậy thì có bao nhiêu người sẽ bị lây nhiễm Sars-CoV-2?

Một người tâm thần không có năng lực hành vi dân sự vô tư “đi lang thang” trong thành phố đang có đại dịch hoành hành, liệu anh ta có khả năng phòng bệnh cho bản thân và những người xung quanh? Khi anh ta đã không thể có ý thức về việc phòng dịch, thì khả năng lây nhiễm Covid-19 là rất cao. Mà khi đã mang mầm bệnh Covid-19 trong người, tự do đi lại trong thành phố, anh ta sẽ reo rắc mầm bệnh cho bao nhiêu người nữa? Các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã tính đến điều này chưa?

Muốn phòng chống đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả, cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bao gồm các khuyến cáo y tế, cách ly người tiếp xúc, điều trị người mắc bệnh... Song, nếu chỉ chú ý vào những “việc to lớn” mà lại quên đi một vài người tâm thần đi lang thang, thì mọi cố gắng nỗ lực phòng dịch cũng trở thành công cốc như dã tràng xe cát biển đông mà thôi. Để có thể “chiến thắng” đại dịch Covid-19, việc ngăn chặn các mầm bệnh di động chính là yếu tố then chốt, cơ bản.

Đó là lý do vì sao cần phải truy vết, xác định những người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần... để thực hiện biện pháp cách ly, phòng dịch. Càng sớm cách ly, giảm tiếp xúc đối với những người có nguy cơ cao thì càng dễ dàng khống chế đại dịch Covid-19, không để nó có cơ hội lây lan ra diện rộng. Lý thuyết là vậy, trên thực tế cũng đã thực hiện tương đối tốt đối với người bình thường, vì sao lại “quên” những người tâm thần, để họ đi lại tự do trong khi không có ý thức thực hiện các biện pháp phòng dịch?

Giả sử trong trường hợp cụ thể này, người đàn ông nói trên thực sự mang mầm bệnh Covid-19, rồi phun nước bọt vào thực phẩm gây nguy cơ lây lan cho người khác, thì cơ quan chức năng cũng chỉ có cách botay.com chứ không thể xử lý anh ta được. Luật đã quy định như vậy, có muốn làm khác cũng chịu. Vậy thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi để đại dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng? Có lẽ là chẳng ai cả, bởi không có bất cứ căn cứ gì để truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói, chống dịch như chống giặc. Vậy nên cơ quan chức năng cần phải hết sức đề cao cảnh giác với mọi yếu tố có thể làm lây lan đại dịch Covid-19. Đôi khi chỉ vì những sơ suất nhỏ, không đáng có, khiến cho tình hình lây lan đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên trầm trọng, khó kiểm soát. Lúc đó thì dù đội ngũ chiến sĩ áo trắng, áo xanh... có tinh nhuệ đến đâu, e rằng cũng khó mà chiến thắng được “giặc” Covid-19. Hy vọng mọi kẽ hở trong phòng chống đại dịch Covid-19 sẽ kịp thời được bịt kín, như vậy chúng ta mới có thể tiếp tục chiến thắng “giặc dịch”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát lây lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO