Kiểm soát nợ công

H.Hương 20/10/2016 09:10

Nợ công tiếp tục làm đau đầu cơ quan quản lý khi quy mô nợ tăng, áp lực trả nợ lớn. Liệu việc xin nới trần nợ công có khiến cho việc quản lý nợ công đỡ cấp bách? khi vấn đề cốt lõi nhất trong an toàn nợ công phụ thuộc vào tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn từ các khoản nợ công và khả năng trả nợ từ chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường.

Tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.

Quy mô nợ công tăng nhanh

Quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố mà các cơ quan quản lý đưa ra do cách thức xác định nợ công của Việt Nam hơi khác với thông lệ quốc tế. TS. Lưu Bích Hồ, người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu nợ công và các chỉ số vĩ mô đã trao đổi với Đại Đoàn Kết, căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia cũng tính toán rằng nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức cao. Nợ công đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nợ công đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế trong thời gian gần đây. Quy mô nợ công đang gia tăng nhanh, áp sát ngưỡng kiểm soát của Quốc hội. Trong một báo cáo nghiên cứu của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đưa ra, đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2,608 triệu tỉ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,393 triệu tỉ đồng); tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.

Trong khi đó, theo một con số ước được Bộ Tài chính đưa ra, đến thời điểm cuối năm ngoái, ước tính nợ công của Việt Nam ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,0% tổng thu ngân sách nhà nước. Như vậy chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép là 0,3% GDP.

Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính cơ cấu nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Nguyên nhân của chỉ tiêu nợ vượt quá giới hạn xuất phát từ hai lý do chủ yếu. Đó là GDP thực tế thực hiện năm 2015 giảm mạnh so với số đã dự báo tháng 10/2015 là 291.100 tỷ đồng và việc bổ sung 30.000 tỷ đồng kế hoạch giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2015 theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016 và kế hoạch năm 2017, nhiều ý kiến còn đề xuất, nâng tỷ lệ nợ Chính phủ từ 50% lên 55% GDP, cho giai đoạn 2016 – 2020. Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Việt Nam dự kiến dành 27% dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm để trả nợ. Điều đó có nghĩa, cứ 10 đồng làm ra thì tới 3 đồng phải dùng trả nợ. Điều này cũng gây sức ép cho việc cân đối ngoại hối vì các khoản nợ phần lớn phải trả bằng ngoại tệ.

Kiểm toán nợ công đầy đủ

Cần khẩn trương thực hiện cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công là những bài toán hóc búa đang được đặt ra gay gắt. Giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tới, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và diễn biến kinh tế thế giới biến động khó lường, để các chỉ tiêu nợ không vượt trần cho phép, đảm bảo cho an toàn nợ công thì các biến số như việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần được xây dựng thống nhất trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa. Định hướng là vậy, song thực tế luôn có khoảng cách xa

Theo TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn và lựa chọn dự án một cách thông minh là một giải pháp quan trọng để giảm áp lực chi đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp mà không bị ảnh hưởng về tăng trưởng.

Vẫn theo ông Cung, Chính phủ cần chú trọng xây dựng thể chế quản lý nợ công đủ mạnh. Bộ máy quản lý nợ công cần thay đổi theo hướng tập trung vào một đầu mối, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thực hiện đầy đủ quy định về công khai, minh bạch về nợ công. Cơ quan quản lý nợ công cần linh hoạt sử dụng các công cụ nợ có kỳ hạn khác nhau, ở các thời điểm khác nhau để nâng cao hiệu quả nợ công, giãn cách gánh nặng nợ công tránh rủi ro kỳ hạn và giảm chi phí lãi vay. Ngoài ra giải pháp quan trọng khác để duy trì kỷ luật ngân sách là thực hiện kiểm toán độc lập nợ công để giảm lãng phí ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO