Kiểm soát quyền lực

Hoàng Mai 04/10/2019 14:05

Với kiểm soát quyền lực, quy định của Trung ương quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của cấp Ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cũng như thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

Kiểm soát quyền lực

1. Ngày 23/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Thực ra việc kiểm soát quyền lực thì Đảng ta đã nói nhiều, nhiệm kỳ nào cũng đặt ra; tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt ra và được quy định cụ thể hơn rất nhiều.

Giải thích về vấn đề này trong quy định, Ban Chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh: Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Và, “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.”.

Tức là, Đảng ta đã nhấn mạnh, cũng như đưa ra các biện pháp - hay nói cách khác là “luật hóa” bằng quy định những vấn đề về kiểm soát quyền lực - nhằm làm cho cán bộ không muốn hoặc không dám lạm quyền, lộng quyền trên cương vị công tác mình được giao; từ đó ngăn chặn lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, ngăn chặn tư túi cá nhân và ngăn chặn lợi ích nhóm để đục khoét của công.

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng bị xử lý mà trong đó, các cơ quan tư pháp đã bóc gỡ nhiều đường dây chằng chịt với sự hợp tác giữa cán bộ (thậm chí là cán bộ cấp cao) với các doanh nghiệp cỡ bự, gây thất thoát cho Nhà nước nhiều khoản tiền, lên đến nhiều ngàn tỷ đồng mỗi vụ. Cũng lại có những vụ án, vụ việc lại liên quan đến câu chuyện bổ nhiệm thần tốc nhiều vị trí là con em cán bộ cấp cao vào các vị trí quan trọng; hay là chuyện cả họ làm quan… Chính từ cái dây lãnh đạo gia truyền ấy mà nhiều vấn đề ở ngành hay địa phương được quyết khá nhanh chóng theo kiểu “đi tắt đón đầu”. Những vụ án, vụ việc như thế thời gian qua không phải ít. Nhiều vụ án, vụ việc đã được xét xử hay xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, chính từ các kẽ hở này, Đảng ta thấy càng cần có quy định chi tiết bao nhiêu sẽ càng giúp việc kiểm soát quyền lực chặt chẽ bấy nhiêu và có thể góp phần chống chạy tốt hơn bấy nhiêu.

2. Trong Quy định số 205 vừa mới ban hành, Trung ương đã đưa ra 2 phần rất rõ ràng: Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Tức là, có thể hiểu: kiểm soát quyền lực tốt sẽ hạn chế và tiến tới chống chỉ định đối với việc chạy chức, chạy quyền.

Với kiểm soát quyền lực, quy định của Trung ương quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của cấp Ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cũng như thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Đặc biệt, quy định nêu rõ: “Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, Phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cùng cấp Ủy; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân và người đứng đầu cơ quan Nội vụ, Thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị”. Tức là quy định rất rõ ràng, chặt chẽ nhằm tránh lợi dụng vị trí công tác để tư lợi cá nhân hoặc đơn giản hơn là để cùng nhau nắm quyền và nhằm khuynh đảo cơ quan, tổ chức mà mình phụ trách. Chuyện ấy báo chí và truyền thông đã đưa nhiều. Có những địa phương mà anh chị em nắm giữ hầu hết các vị trí quan trọng trong bộ máy đến khi phát hiện ra đã gây phản cảm cho dư luận.

Còn với hành vi chạy chức, chạy quyền, quy định chỉ ra việc: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Hoặc, lợi dụng các mối quan hệ thân quen, hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người… Tức là, quy định cũng lường trước các biến tướng trong chạy chức, chạy quyền và đưa vào nhóm hành vi để phòng ngừa, đấu tranh cho hiệu quả hơn.

3. Quy định số 205 cũng đã nêu rõ biện pháp xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Theo đó, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì đều bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Nhẹ thì là mức khiển trách, nặng hơn thì cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng, bị buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Quy định cũng nêu rõ: Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Quy định 205 ra đời trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - bối cảnh mà dân gian hay gọi là “cuộc đua nước rút” vào các vị trí quan trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Nếu quá trình ấy mà sai thì rất dễ dẫn đến sai sót trong công tác cán bộ. Và, sai sót ấy có thể phải đánh đổi bằng sự xộc xệch trong công tác cán bộ của 1, thậm chí là 2-3 hay tới 5 nhiệm kỳ; vì cái sai này sẽ dẫn đến cái sai khác và càng đi xa sẽ càng khó sửa sai.

Có lẽ, nhận thức rõ những bài học xương máu trong công tác cán bộ thời gian vừa qua, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chấn chỉnh một cách toàn diện, đồng bộ về công tác cán bộ; tìm cách đưa ra các quy định chặt chẽ để nhằm siết chặt việc đề bạt, bổ nhiệm, từ đó siết lại toàn bộ công tác quản lý cán bộ. Nếu thực hiện tốt quy định này và công tác bố trí, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chặt chẽ sẽ góp phần đáng kể vào quá trình phát triển của đất nước và góp phần đấu tranh, phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO