Kiểm soát sự tăng đột biến của giá cát: Không để là cuộc chơi của những 'ông lớn'

Tuấn Việt 26/04/2017 08:15

Tuy chưa có sự ảnh hưởng quá lớn giữa cung cầu của nguyên vật liệu cát trong xây dựng, song trên thị trường hơn 10 ngày qua, giá cát đã tăng chóng mặt, thậm chí gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Liệu đây có phải cuộc chơi của các “ông lớn” ngành công nghiệp cát, khi sự đầu cơ tức thời ấy, chỉ đơn thuần hàm nghĩa gây sức ép, thì cần phải bàn tính.

Khai thác cát trên sông Hồng Ảnh: TL.

Thị trường cát, trước khi có sự vào cuộc của Chính phủ đối với nạn khai thác cát trái phép, gồm 3 nguồn cung chính, từ sản xuất chính thống, tức là từ các mỏ khai thác cát cấp phép; từ số lượng khai thác ngoài phép, tức “cát tặc” và cuối cùng là nhập khẩu, chủ yếu từ Lào.

Trong 3 nguồn cung này, lượng nhập khẩu và ngoài phép, trên thực tế lớn hơn nhiều so với nguồn cung chính thống. Tuy chưa có con số chính thức, nhưng từ những chủ mỏ, cụm từ “ba ăn một” (ám chỉ 1 chính thống, 3 ngoài luồng cho thị trường cát trong nước), cho thấy mức độ thâm nhập của “cát tặc” với ngành xây dựng là rất lớn. Đó chưa kể, một lượng lớn cát “chạy” đã sang Trung Quốc. Đa phần trong số này từ khai thác cát bất hợp pháp trên toàn quốc.

Cát, nguồn tài nguyên không tái sinh và Chính phủ vào cuộc là sự cấp thiết khi tình hình khai thác đang dần mất kiểm soát. Song có lẽ từ sự mạnh mẽ này, giá cát trong những ngày qua đã có những bước “nhảy” cực điểm, với nguyên do nguồn cung không đủ, từ các DN.

Cụ thể, giá các loại cát nguyên khai (chưa qua chế biến) tại khu vực ĐBSCL tăng bình quân từ 10.000đ đến 30.000đ/1m3 so với thời điểm cuối tháng 3 và tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước.

Giá cát đã qua công nghệ chế biến sạch theo qui chuẩn, bán tại kho loại 2.0-2.3, là 330.000đ/1m3, loại 1.8-<2.0 là 270.000đ/1m3, loại 1.6-<1.7 là 230.000đ/1m3… Giá cát san lấp đã qua sàng rửa sạch 115.000đ/m3.

Như vậy, bình quân giá cát các loại tăng từ 15.000đ đến 70.000đ/1m3 so với đầu tháng 3-2017 và tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước.

Tương tự, giá cát các loại tại khu vực sông Hồng (Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc…) cũng đồng loạt tăng từ 15.000 - 50.000 đ/m3, chưa bao gồm phí vận chuyển.

TS Cao Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, trên thực tế, nhu cầu nguyên liệu cát tăng dần theo năm. Từ thời điểm năm 2000 nhu cầu là 60 triệu m3/năm, đến 2010 là 72 triệu m3/năm, đến 2015 là 92 triệu m3/năm và dự kiến đến năm 2020 là khoảng 130 triệu m3/năm. Lượng cầu tăng, song lượng DN “gia nhập” khai thác cát trong những năm qua cũng tăng mạnh.

Chỉ tính riêng 2 “vựa cát” lớn là ĐBSCL và khu vực sông Hồng, đã có gần 250 DN. Đó là chưa kể hàng loạt các dự án nạo vét lòng sông, khai thác cát nước mặt tại biển, cửa biển…

Chính vì vậy, dù có chuyện lượng cung thiếu hụt do từ việc ngăn chặn cát trái phép cũng không đến mức giá cát tăng gấp 2 - 2,5 lần trong vòng ít ngày qua.

“Ở đây là sự đầu cơ của DN hay còn nguyên nhân nào khác, khi cát không phụ thuộc vào ảnh hưởng của thị trường thế giới? Dù là vế nào, Nhà nước cũng cần có những biện pháp kiểm soát ngay giá cát. Cát chiếm tỷ trọng lớn trong xây lắp, xây dựng. Việc tăng giá cát sẽ khiến nhiều DN xây dựng, bất động sản lâm nguy”- TS Cao Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, “chiến dịch tăng giá bầy đàn”, theo cách gọi của một số chủ đầu nậu cát tại Phú Thọ, là động thái gây sức ép của một số “ông lớn” trong ngành công nghiệp cát nhằm vào sự cương quyết của Chính phủ dẹp nạn “cát tặc” trong thời gian gần đây.

Thực tế, đối với nhiều DN khai thác cát, lượng cát cung cấp trong nước đủ để đảm bảo chi phí. Nguồn lớn chính vẫn là từ xuất khẩu. Và những khoản ngoài luồng này đang chịu sự thao túng và chi phối của những ông lớn khó ai có thể điểm mặt gọi tên.

Nói cách khác, giá cát từng ngày từng giờ luôn nằm trong sự khống chế của một nhóm thế lực ngầm. Điều này lý giải cho câu chuyện đã từng xảy ra ở ngay tại sông Hồng Hà Nội: khai thác cát không ai mua, dẫn đến chất đống bờ sông rồi phá sản. Buôn có bạn bán có phường, ở thời điểm này là giải thích hợp lý.

Vậy, vai trò điều tiết giá cát của Nhà nước sẽ như thế nào để cuộc chơi không là của những “ông lớn”? Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh: Đối phó với tăng giá cát không phải là những biện pháp cấp bách tạm thời. Ở đây là phải là một sự hoàn chỉnh ngay về thể chế và cơ chế chính sách để đảm bảo khai thác cát đúng luật và không ảnh hưởng đến môi trường. Nếu không có chính sách bài bản rõ ràng thì đối phó được bây giờ chỉ là cách làm “bắt cóc - bỏ đĩa” rồi đâu sẽ vào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát sự tăng đột biến của giá cát: Không để là cuộc chơi của những 'ông lớn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO