Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre

Quốc Định 11/06/2020 16:22

Ngày 11/6, Đoàn công tác của Trung ương do ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu đã có buổi kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, kết hợp khảo sát công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm 2020 và nắm tình hình xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre.

Về phía địa phương có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bên Tre cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.

Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre.

Dịch chưa qua, hạn mặn đã tới

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, tính đến ngày 30/5, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận 93 đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ với số tiền 2.762.763.895 đồng và một số hàng hóa khoảng 816 triệu đồng. Vận động lắp đặt và đưa vào vận hành 6 máy “ATM gạo”, trên 85 tấn gạo và trên 20.000 quả trứng gà… với mô hình này đã phần nào giúp được hàng ngàn người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn.

Từ các nguồn được hỗ trợ, Ban Cứu trợ MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã có văn bản trình xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy để xuất chi 2,4 tỷ đồng để mua 300 nhiệt kế hồng ngoại và 2 máy thở phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Về công tác phòng, chống hạn mặn, ông Đảnh cho biết, từ giữa tháng 12/2019, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh Bến Tre xâm nhập nhanh, sâu, rộng và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng, tình hình xâm nhập mặn năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, duy trì ở mức rất cao kéo dài đến hết 5 /2020, bao trùm trong phạm vi toàn tỉnh, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Thống kê trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 5.287 ha lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại hoàn toàn; 27.985 ha cây ăn trái, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách, 168 ha hoa màu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phần lớn diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng bị thiếu nguồn nước tưới khá trầm trọng, tình trạng cây trồng bị suy giảm tăng trưởng, kém phát triển, thậm chí có hiện tượng cháy, rụng lá diễn ra tại các địa phương. Về nuôi trồng trêm 3 ngàn ha bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 2,5 ngàn ha tôm càng xanh; 85,44 ha cá tra thâm canh; 30 ha cá diêu hồng lồng bè; 438 ha cá tra, trê, mè, lóc, ... nuôi xen, quảng canh, .... Ước tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỷ đồng.

Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre - 1

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại buổi làm việc.

Hạn mặn còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như công nghiệp, cấp nước sinh hoạt, thi công xây dựng, đô thị, khoa học và công nghệ, giảm nghèo, y tế,…Số liệu thống kê cho thấy, tại thời điểm mặn gay gắt nhất trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 86.896 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt là 18.185 hộ nghèo, 16.367 hộ cận nghèo và gần 4.000 hộ gia đình chính sách khó khăn phải chịu tác động của xâm nhập mặn là nặng nề nhất.

Tỉnh Bến Tre đã kịp thời tiến hành thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt ưu tiên lập danh sách chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các nhóm đối tượng còn lại, các địa phương thực hiện song song với việc vừa chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng trên, vừa tiến hành rà soát để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.

Trao đổi công tác hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre cho biết, xác đúng đối tượng, làm sao cho đủ và không bỏ sót là việc rất khó, bởi các đối tượng không ổn định về nghề nghiệp, chỗ ở, trong khi đó nếu xác định sai, hay không đủ cán bộ cơ sở lại chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bùng phát và hạn hán, xâm nhập mặn vừa diễn ra ở Bến Tre, MTTQ các cấp đã chung tay vận động rất lớn, góp phần đảm bảo sinh hoạt sản xuất cho sản xuất. Có ngày Bến Tre tiếp nhận 500 chuyến tàu, xe chở hàng hóa, công cụ chống hạn, hạn…

Ông Mãi cảm ơn UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để MTTQ tỉnh thực hiện, điều đó đã sớm đem lại hiệu quả tốt như hôm nay. Đồng thời, Bí thư tỉnh Bến Tre cũng hứa trong thời gian tới sẽ có những chủ trương nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Mặt trận tỉnh hoạt động.

Không vì thành tích mà chủ quan

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua đã thực hiện tốt hai nhiệm vụ rất lớn là vừa chống dịch bệnh Covid-19 vừa chống hạn mặn. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo công tác phát triển kinh tế, ổn định an ninh xã hội.

“Những khó khăn đó đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực nhưng Bến Tre đã nỗ lực hết sức mình, cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc thực hiện. Bến Tre đã đưa ra những giải pháp đa dạng phù hợp. Hôm qua, chúng tôi đã đi khảo sát và thực tế đã tận mắt nhìn thấy các mô hình, giải pháp tốt phục vụ cộng đồng. Nhiều khó khăn như thế nhưng Bến Tre vẫn lọt vào top 10 cả nước trong chống dịch, hỗ trợ người dân và điều quan trọng là đã không xảy ra sai sót, gây bức xúc dư luận”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhận xét.

Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre - 2

Một đại biểu tham gia buổi làm việc đóng góp ý kiến.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhận định, từ nay đến cuối năm, Mặt trận tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, không phải vì những thành tích ban đầu mà chủ quan, cũng không phải vì khó khăn mà buông xuôi. “Năm 2020 nước ta có nhiều sự kiện lớn, vì vậy Mặt trận cần phải xác định rõ từng kế hoạch, giải pháp. Đối với Đai hội Đảng các cấp, Mặt trận cần tham gia tích cực vào việc đóng góp văn kiện, tham gia giám sát công tác cán bộ, từ đó kiến nghị với cấp ủy để đưa những cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào bộ máy”, ông Hầu A Lềnh nói.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho biết, hiện nay, cán bộ Mặt trận cơ bản đã được trẻ hóa. Tới đây Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam chính thức được nâng cấp thành Học viện MTTQ Việt Nam. Học viện đang xây dựng hệ thống giáo trình bài bản và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Mặt trận nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ Mặt trận trong thời kỳ mới.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh ghi nhận tất cả kiến nghị, góp ý của các đại biểu, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp lại để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban ngành để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.

Dịp này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao bảng tượng trưng số tiền 1,5 tỷ đồng từ Ban Cứu trợ Trung ương hỗ trợ tỉnh Bến Tre khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre - 3

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao bảng tượng trưng số tiền 1,5 tỷ đồng từ Ban Cứu trợ Trung ương hỗ trợ tỉnh Bến Tre khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre - 4

Quang cảnh buổi làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn tại Bến Tre

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO