Kiến ba khoang 'đại náo' nhiều khu vực ở Thủ đô

Lan Anh 02/10/2020 07:23

Khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều khu vực trong TP Hà Nội như quận Hoàng Mai, quận Thanh Trì, quận Cầu Giấy,… xuất hiện số lượng kiến ba khoang “đột biến”. Nhiều người dân đã bị đốt, gây ra vết thương đau, rát, thậm chí, có người bị lan rộng.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất ở các khu chung cư

Chị Thuý Hằng (cư dân chung cư ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết, mấy ngày nay, chung cư nơi chị sống, hàng loạt căn hộ xuất hiện kiến ba khoang với số lượng nhiều. Thậm chí, trong một buổi tối, có nhà bắt được hơn 20 con kiến ba khoang.

Loài kiến này gây ra vết thương rất đau, rát, thường hay bị lan rộng. Nhiều người lớn, trẻ em trong khu cũng đã bị đốt, vết thương gây khó chịu, đặc biệt là đối với trẻ em.

Số lượng kiến ba khoang bắt trong một buổi tối tại căn hộ chung cư. (Nguồn: Lan Anh).

Chị Thuỳ Linh (cư dân chung cư ở Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai) chia sẻ, trong căn hộ của chị liên tục phát hiện kiến ba khoang những ngày gần đây. Chính chồng chị đã bị đốt, vết thương khá đau, hiện đang bôi thuốc điều trị.

Tại một topic thảo luận về vấn đề này trên mạng xã hội, bạn Trần Đạt cho biết, một số chung cư tại khu vực Tứ Hiệp, Thanh Trì cũng gặp tình trạng tương tự.

Nguyên nhân do miền Bắc bước vào vụ gặt lúa

Theo tìm hiểu của phóng viên chúng tôi, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều nhất tại khu dân cư vào hai thời điểm là tháng 5-6 và tháng 9-10 hàng năm. Đây là thời điểm diễn ra và kết thúc vụ gặt lúa tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có vùng ven đô Hà Nội.

Sau vụ gặt, nơi trú ngụ và kiếm ăn của kiến ba khoang không còn nên loài này tìm đến những hộ gia đình, khu chung cư gần cánh đồng, bãi đất trống, xuất hiện nhiều vào mùa mưa.

Đây chính là lý do khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều nơi trong khu vực TP Hà Nội xuất hiện số lượng kiến ba khoang tăng đột biến. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết tháng 10, đến thời điểm người dân kết thúc vụ gặt.

Tổn thương và cách điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra

Kiến ba khoang không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính được tiết ra và trực tiếp thấm vào da. Dưới bụng của kiến ba khoang có 2 tuyến độc chứa chất Pederin.

Theo Bộ Y tế, Pederin độc gấp 12-15 lần chất độc của rắn hổ mang, nhưng do lượng độc ít và tiếp xúc trên da nên kiến ba khoang chỉ gây ngứa rát, nặng hơn là phồng rộp, nhiễm trùng, mưng mụn nước.

Khi bị kiến ba khoang đốt, nếu sơ cứu đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ dịu đi rất nhiều. Có thể dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị thương tổn để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da, sau đó nên đi khám, bôi thuốc điều trị kịp thời.

Lưu ý, tránh gãi vết thương hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian làm cho vết thương bị loét và lan rộng.

Cách phòng tránh kiến ba khoang

Một số nhà ở các khu chung cư đã tiến hành lắp đặt cửa lưới chống côn trùng để phòng tránh kiến ba khoang. Ngoài ra, cần vệ sinh khu ở nhà ở sạch sẽ, lưu ý, giũ mạnh quần áo sau khi phơi để tránh việc kiến ba khoang bám trên đó.

Ở một số khu vực công cộng, cần tránh đứng dưới các nơi có đèn sáng trực tiếp bởi kiến ba khoang rất ưa sáng, thường tập trung nơi có ánh sáng mạnh.

Một số căn hộ tiến hành lắp cửa lưới chống côn trùng để ngăn kiến ba khoang. (Nguồn: Lan Anh).
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến ba khoang 'đại náo' nhiều khu vực ở Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO