Kiến ba khoang hoành hành

Thanh Thảo 24/10/2016 22:51

Khoảng một tuần trở lại đây, người dân ở nhiều địa phương phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội gặp rất nhiều phiền toái và ảnh hưởng sức khỏe do bị kiến ba khoang tấn công, nhất là với trẻ nhỏ. Bệnh viện Da liễu Trung ương, ngày cao điểm có tới cả trăm bệnh nhân đến khám và điều trị các triệu chứng viêm da do độc tố của kiến ba khoang gây ra.

Kiến ba khoang hoành hành

Kiến ba khoang có chất độc nhiều hơn cả rắn hổ mang.

Nhập viện vì kiến ba khoang

Tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu TƯ, thời điểm này khá nhiều bệnh nhân đến khám vì bị lở loét, phồng rộp khắp người vì kiến ba khoang. Chờ khám, anh Văn Thắng (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, mình đang vô cùng khó chịu, đau rát; hiện căn nhà anh đang ở Linh Đàm-Nơi năm nào vào mùa này cũng có khá nhiều kiến ba khoang bay vào, đặc biệt là buổi tối. Anh Thắng chia sẻ, may đợt này cả nhà, chỉ một mình anh bị, trẻ con trong nhà thường xuyên phải để ngồi trong màn để tránh kiến đốt.

Chị Hương cũng ở Linh Đàm cho biết, chị bị kiến ba khoang đốt nhưng không biết, thấy vết thương ngứa và lan rộng, chị tự mua thuốc chữa trị. Khi đến hiệu thuốc, người ta nhầm vết thương do kiến ba khoang thành bệnh zona thần kinh, nên bôi thuốc rồi mà vẫn không khỏi, tình trạng càng đau rát hơn.

TS BS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Hiện đang vào mùa kiến ba khoang nên lượng bệnh nhân nhập viện vì độc tăng mạnh. Có ngày chúng tôi tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân.

Người lớn nhập viện nhiều, do họ chưa hiểu biết về loài kiến này. Họ thường lỡ tay đập chết, chà xát hoặc dí chết con kiến nên mới bị trúng phải chất độc của con kiến.

Trẻ em dính độc kiến ba khoang là do các cháu nghịch, có cháu nhỏ vào viện còn khoe cháu giết được mấy con kiến. Sau đó, các cháu quệt tay linh tinh khắp cơ thể, có khi lên cả mắt. Tay quệt đến đâu thì tổn thương lan tới đó. Nhẹ thì phồng rộp cực kỳ khó chịu, nặng thì máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử”.

Theo BS Doanh, hiện nay hiểu biết của người dân về kiến ba khoang vẫn còn rất hạn chế. Nguy hiểm hơn, có nhiều người khi đến khám cho rằng bị viêm da do zona hay còn gọi là giời leo. Có trường hợp vào viện khám khi vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ và lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hình thức.

Chứa chất cực độc

Theo TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ.

Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Loại kiến này xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm.

Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Theo các chuyên gia y tế, dịch ở vết thương lan rộng ra chỗ nào thì gây tổn thương da chỗ đó. Khi chất dịch ở kiến ba khoang dính vào da người sẽ có cảm giác lúc đầu là căng da, ngứa rát, phù nề, đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thì đỏ cộm thành vệt và nổi những mụn nước to nhỏ không đều kích thước 1-5 mm và chỉ sau 2- 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ.

Vì vậy, những trường hợp bị kiến ba khoang cắn, lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xàphòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập; có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng.

Nếu chỗ da bị viêm chuyển sang tổn thương loét, cần đắp gạc sạch, ướt, mát, vô trùng; có thể xoa thêm dung dịch calamin totion hay kem xoa corticoides ở vết loét. Khi có bội nhiễm với các bọng nước dưới da, có thể dùng phối hợp với kháng sinh.

Triệu chứng viêm da sẽ khỏi trong vòng từ 2 - 3 tuần. Trong những trường hợp cần thiết, nên đi khám chuyên khoa da liễu và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cũng theo các chuyên gia, trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin, có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang…

Nhưng tuy độc tính cao, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Song người dân không nên quá hoang mang, có thể chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả như dùng cửa lưới chống muỗi và các loại côn trùng, hạn chế bớt ánh đèn điện thắp sáng, thường xuyên vệ sinh, quét dọn nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.

Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang đậu bám trên người nên thổi nhẹ cho chúng bay đi, không nên đập chết và chà xát mạnh trên da vì độc tố pederin trên cơ thể kiến có thể xuyên thấm, xâm nhập qua da gây bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến ba khoang hoành hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO