Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cán bộ biến chất

H.Vũ 08/11/2017 07:45

Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng chống tham nhũng năm 2017.

Phát biểu trước Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, đồng thời thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật, đưa ra khỏi bộ máy.

Giải trình về bạo lực trong bệnh viện, trường học, xâm phạm tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Năm 2017 Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp và ngành công an đã tham gia phòng chống tội phạm và tăng cường công tác hành chính quản lý trật tự xã hội, mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm đã kiềm chế gia tăng tội phạm.

Tuy nhiên tội phạm còn diễn biến phức tạp công tác đấu tranh còn hạn chế. Trong năm 2017 có 84 vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra tại 36 địa phương, xử lý hành chính 11 vụ, xử lý 24 đối tượng, và đang tiếp tục xử lý tiếp.

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Tô Lâm là do theo Nghị định 37 của Chính phủ quy định các nơi trọng điểm có lực lượng cảnh sát có trách nhiệm bảo vệ, còn bệnh viện không nằm trong mục tiêu bố trí vũ trang.

Tuy nhiên trước tình hình trên Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với ngành y ngăn chặn các vụ hành vi gây rối nhân viên y tế, tập trung tiến hành đảm bảo an ninh trật tự đảm bảo cho bệnh nhân, bác sĩ, điều tra làm rõ các vụ hành hung nhân viên y tế bệnh nhân và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và công khai để làm gương.

Đồng thời cũng hướng dẫn ngành y tế đánh giá thực trạng bảo vệ ở nơi khám chữa bệnh, tập huấn kỹ năng đối với các tình huống, và trang bị công cụ hỗ trợ ở nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra, lắp đặt camera chuông báo động.

Đề cập đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2017 xảy ra 446 vụ tăng so với năm 2016.

Trước tình hình trên Bộ chỉ đạo công an các địa phương tuyên truyền các phương thức và biện pháp phòng ngừa đối với trẻ em gái, tăng cường nghiệp vụ để nắm bắt thông tin, xử lý tin báo, tiếp nhận điều tra xử lý nghiêm minh, làm rõ các vụ được dư luận quan tâm.

Tuy nhiên do tính phức tạp, chứng cứ ít nên khó trong đấu tranh do đó Bộ đã trao đổi với Ủy ban Tư pháp cần có cơ chế điều tra đặc biệt với hành vi này.

Giải trình thêm, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, các vụ án hiếp dâm thường xảy ra ở nơi kín, ít người qua lại nên việc thu thập chứng cứ rất khó.

Nhiều cán bộ sợ oan sai nên cũng không dám khởi tố bắt giam cho nên cần có biện pháp điều tra đặc biệt là cần thiết nhưng chỉ những vụ án điểm, bức xúc của xã hội.

“Như vụ án ở Vũng Tàu, Viện kiểm sát không dám phê chuẩn. Lúc đó tôi nghe báo cáo và quyết định phê chuẩn và ngày 17/11 tới sẽ đem ra xử. Hay vụ ở Cà Mau rất bức xúc nhưng chứng cứ khó khăn, chứng cứ yếu, không ai thấy, kết quả giám định cũng không kết luận rõ ràng. Cho nên cơ quan điều tra và viện kiểm sát thống nhất xử lý tội dâm ô, tuy nhiên tòa lại đề nghị xử tội hiếp dâm”- ông Trí cho biết.

Nỗ lực trong hoạt động tố tụng

Đề cập đến việc nhiều vụ hình sự được chuyển thành xử lý hành chính, theo Bộ trưởng Tô Lâm do việc thay đổi chính sách hình sự năm 2015, và thi hành Bộ luật Dân sự nên một số hành vi mới không được coi là tội phạm nên không được coi là hình sự mà chuyển sang xử lý hành chính.

“Thực tế có nhiều vụ đông người tham gia như nghi trộm cắp, đánh bạc nên phải tạm giữ các đối tượng. Sau đó mới căn cứ để phân loại để xử lý, và một số đối tượng được loại ra để xử lý hành chính” - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Liên quan đến việc có hay không hành chính hóa quan hệ hình sự, hình sự hóa quan hệ dân sự, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, Bộ không có chủ trương trên mà thực hiện theo nguyên tắc không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Cho nên hành chính hóa các quan hệ hình sự, hay hình sự hóa quan hệ dân sự đều bị ngăn cấm. Nếu trong trường hợp xảy ra là vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra.

Còn quan điểm của ngành là dứt khoát là không để xảy ra. Để ngăn chặn không để hiện tượng này, Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động cơ quan điều tra để ngăn chặn phát hiện đấu tranh xử lý hiện tượng trên.

Thời gian tới Bộ cũng sẽ thường xuyên thanh tra kiểm tra không để xảy ra thiếu sót, thượng tôn pháp luật, không để xảy ra làm oan nhưng không để bỏ lọt tội phạm.

Giải trình về những vi phạm trong cơ quan tố tụng pháp luật, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, xử lý các hành vi hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính hóa các quan hệ hình sự để lọt tội phạm là vấn đề rất khó khăn.

Vì tội phạm chính là đồng đội của mình nhưng việc thu thập chứng cứ không dễ vì là người ở trong nghề biết hết các ngõ ngách.

Cho nên ngành đã thành lập cơ quan điều tra đặc biệt để làm trong sạch bộ máy.

“Nếu hỏi có việc vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hay không thì phải khẳng định là có nhưng Viện cố gắng làm hết sức để hạn chế để nền tư pháp minh bạch đáp ứng yêu cầu và niềm tin của người dân” - Viện trưởng Trí cho biết đồng thời bày tỏ các vi phạm chủ yếu là làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Trong khi đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành rất quan tâm đến kỷ luật vì đó là mong muốn của nhân dân.

Theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4, ngành đã thực hiện tăng cường thanh tra, kiểm tra, ban hành quy định 20 trong đó quy định quá trình xét xử của thẩm phán và nêu rõ các điều kiện khi nào bị phê bình, khiển trách, khi nào bị kỷ luật ra khỏi ngành.

Kiên quyết chống tham nhũng

Thay mặt Chính phủ, giải trình về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, và phương hướng trong năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan phòng chống tham nhũng nhanh chóng xử lý theo tinh thần “không có vùng cấm”, “bất kỳ ai”, “ai vi phạm đều phải bị xử lý” theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua đã đưa ra xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn, kể cả cán bộ tham nhũng cấp cao qua đó nhận diện những sơ hở trong hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, tăng cường thanh kiểm tra để có biện pháp phòng ngừa, cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí thời gian, và nâng cao trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Do đó phát hiện xử lý tham nhũng đã được tăng cường, và xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm trong đó có các dự án thua lỗ lớn mà xã hội quan tâm.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, tình hình diễn biến phức tạp, trong khi rà soát đánh giá sửa đổi chính sách pháp luật còn chậm, vụ việc phát hiện chưa phản ánh đúng thực tế, thu hồi tài sản do tham nhũng còn ít, ý thức công vụ công chức còn thấp nên dẫn đến nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, nhất là sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu, còn việc lạm dụng bí mật nhà nước để không công khai minh bạch, xác minh kê khai tài sản còn hạn chế.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung tiếp tục rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, hoàn thiện Luật Tố cáo sửa đổi, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật Thanh tra, đẩy mạnh cải cách hành chính xây dựng nền công vụ minh bạch liêm chính, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng và minh bạch tài sản thu nhập.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra giải pháp, Chính phủ sẽ tổng kết đánh giá thực hiện Luật Công chức, viên chức, công tác bổ nhiệm cán bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm kể cả đã về hưu, bổ nhiệm người đứng đầu công khai minh bạch, tăng cường thanh tra kiểm tra, loại trừ cán bộ khỏi bộ máy thoái hóa biến chất, ngăn chặn việc bổ nhiệm người người, người thân, phe phái cục bộ.

“Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các vi phạm trong thực hiện dự án BOT, BT, công tác bổ nhiệm cán bộ. Trong đó khi thanh tra phải tập trung vào nơi dễ xảy ra tham nhũng như tỉnh, thành có nhiều dự án, khoáng sản, chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam trong ngăn chặn phòng chống tham nhũng” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cán bộ biến chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO