Kiên quyết kéo giảm nợ công

Thúy Hằng 09/01/2017 09:05

Năm 2017, dự báo tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn. Song bên cạnh đó vấn đề về nợ công, nợ vay nước ngoài... vẫn là những áp lực lớn. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2017 sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.

Kiên quyết kéo giảm nợ công

Năm 2017, kế hoạch dự toán thu cân đối NSNN là 1,21 triệu tỷ đồng.

Tình trạng lãng phí, thất thoát lớn

Tỷ lệ nợ công đang tăng nhanh, tốc độ tăng chi thường xuyên lớn, dư địa chính sách tài khoá rất hạn hẹp, cân đối ngân sách khó khăn, và chi thường xuyên tăng là nguyên nhân chính khiến ngân sách luôn căng thẳng. Để có tiền đầu tư chúng ta buộc phải đi vay, khiến nợ công tăng...Trong khi ngân sách khó khăn thì thực tế chỉ ra hiệu quả đầu tư công lại thấp.

Tại cuộc họp tổng kết ngành Tài chính diễn ra vào cuối tuần qua, Thủ tướng chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong lĩnh vực quản lý tài sản công, tình trạng lãng phí, thất thoát còn lớn. Theo Thủ tướng, lãng phí lớn nhất là trong lĩnh vực đất đai, khi chúng ta còn 560.000 ha đất đã quy hoạch nhưng vẫn để quy hoạch treo. Dường như, vấn đề nợ công đang ngày nhức nhối hơn.

Giới chuyên gia nhận xét, thời gian qua công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn; Giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; Việc phân bổ, sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp.

Tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị; Tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Năm 2017, với sự dịch chuyển không ngừng của các yếu tố, trong đó có cả thuận lợi và bất lợi đều tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Những bất lợi có thể kể ra đó là sự thích ứng của doanh nghiệp còn chậm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn khó khăn, chi phí lớn; diễn biến phức tạp, bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại thế giới...

Theo đánh giá Bộ Tài chính cho rằng, những yếu tố này có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và hoạt động tài chính – Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017.

Đặc biệt, là năm đầu triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Chủ trương, giải pháp tái cơ cấu NSNN, quản lý nợ công; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, do đó đòi hỏi phải rất quyết tâm, nỗ lực phấn đấu.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Kế hoạch dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng. Trong đó: Dự toán thu nội địa 990 nghìn tỷ đồng; dự toán thu dầu thô 38 nghìn tỷ đồng (giá dầu khoảng 50 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 180 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng.

Dự toán chi đầu tư phát triển NSNN là 357 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên NSNN là 896 nghìn tỷ đồng; dự toán chi trả nợ lãi là 99 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi trả nợ gốc của NSNN (không tính trong chi cân đối NSNN) khoảng 164 nghìn tỷ đồng.

Dự toán bội chi NSNN là 178 nghìn tỷ đồng (3,5% GDP), trong đó bội chi NSTƯ mức 3,38%GDP (172 nghìn tỷ đồng); bội chi NSĐP mức 0,12% GDP (6 nghìn tỷ đồng). Nhiệm vụ huy động trong năm 2017 là 340 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi 184 nghìn tỷ đồng, để trả nợ gốc 156 nghìn tỷ đồng.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2017 sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng. Trong đó tập trung vào một số nhóm giải pháp chính.

Tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chi chuyển nguồn; hạn chế ứng trước dự toán năm sau; giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN.

Thực hiện đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài và giảm dần lãi suất phát hành Trái phiếu Chính phủ.

Đặc biệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết kéo giảm nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO