Kiên quyết tinh giản

Nguyên Khánh 10/01/2017 08:00

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Chỉ thị đưa ra giải pháp căn cơ để giải bài toán khó tinh giản biên chế.

Vì sao lại nói lời giải bài toán tinh giản biên chế sẽ cho những đáp số nhất định là bởi, những “khúc mắc” trong tinh giản biên chế như, “đánh chưa trúng đối tượng”, không rõ số lượng, thời hạn cụ thể, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm trễ cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản biên chế đều đã được chỉ rõ.

Thứ nhất, Chỉ thị nêu rõ, từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm 1,5 - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Để thực hiện mục tiêu giảm từ 1,5-2% biên chế mỗi năm, “các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt Đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và của từng năm, trong đó phải xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế”.

Phải nói rõ tỷ lệ tinh giản là bởi thời gian qua, “rất nhiều bộ, ngành địa phương đều đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế, nhưng kết quả thực hiện còn thấp”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vẫn còn tình trạng tinh giản nhầm đối tượng bởi, “6 tháng đầu năm 2016, cả nước tinh giản trên 10.000 người nhưng có tới 1.350 trường hợp không đúng đối tượng”.

Thậm chí, nhìn vào số lượng tinh giản biên chế của một số bộ, ngành, địa phương thì tưởng nhiều mà hóa ít vì đa số người được tinh giản đều trong diện hưu chứ không phải công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Để tránh chuyện giảm biên chế hô to nhưng kết quả đạt được lại rất nhỏ, việc ấn định một con số cụ thể buộc các địa phương phải “chấp hành” nghiêm túc là điều không thể không làm.

Thứ hai, để tránh chuyện biên chế càng hô hào giảm kết quả là năm sau số công chức lại tăng hơn năm trước vì quá nhiều đơn vị chia tách, đơn vị thành lập mới, Chỉ thị cũng đã “bịt” kẽ hở này theo hướng: Thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì; chuyển một số nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận.

Rà soát, sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức của bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xoá bỏ các tổ chức trung gian; xem xét hợp nhất các vụ, cục chưa đáp ứng được tiêu chí thành lập và không đưa cơ quan đại diện tại miền Trung và miền Nam vào cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đặc biệt cần hạn chế đề xuất thành lập mới tổng cục, cục, vụ, chi cục, phòng, hạn chế thành lập phòng trong vụ, bảo đảm tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, cải cách hành chính. “Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao”. Không tăng thêm biên chế cho bất kỳ lĩnh vực nào mà đơn vị phải tự cân đối trong tổng biên chế được giao, chắc chắn sẽ khiến nhiều đơn vị không “hào hứng” trong việc “đẻ” thêm bộ máy, tổ chức mới nữa.

Thứ ba, làm thật nghiêm, truy cho được “công chức cắp ô” trong nền công vụ để đưa ra khỏi bộ máy. Thực ra, giải pháp này đã được đề cập rất nhiều lần nhưng kết quả là: Dư luận nói có trên 30% “công chức cắp ô” nhưng rút cục người đưa ra khỏi nền công vụ chưa hẳn đã là người không hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng việc đánh giá cán bộ còn quá hình thức thế nên “tưởng có trên 30% công chức không được việc nhưng hóa ra chỉ có chưa đến 1%”.

Để tránh những sự đánh giá duy tình, xuê xoa trong đánh giá cán bộ, Thủ tướng đã nêu rõ: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu, cấp trên trực tiếp trong đánh giá cán bộ. “Thậm chí, nếu không truy tìm được hoặc tìm không đúng công chức “cắp ô” thì chính người đứng đầu cũng vào diện tinh giản. Chỉ thị nêu rõ: “Nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người đứng đầu phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước”.

Thứ tư, đối với viên chức sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách sẽ từng bước “ra ở riêng” tự cân đối nguồn tài chính bằng xã hội hóa để tránh cứ trông chờ mãi vào bầu sữa ngân sách. “Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân”. Muốn nâng cao chất lượng các dịch vụ công mà không muốn ngốn nhiều ngân sách, việc đẩy mạnh xã hội hóa là không thể không làm.

Thủ tướng giao nhiệm vụ “các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư”. Nếu các đơn vị này tự chủ được họ sẽ được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao mà không cần sự can thiệp từ Nhà nước.

Biên chế chỉ có thể giảm không thể tăng gánh nặng cho ngân sách. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong phạm vi cả nước năm 2017. Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084 biên chế công chức.

So với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương là biện pháp cứng rắn chốt chặn tăng biên chế. Không chờ Chỉ thị của Thủ tướng, rất nhiều địa phương đã gấp rút giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ để đáp ứng nhiệm vụ mới như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam... đã khiến bài toán khó giảm biên chế đã tìm được lời giải. Năm 2017-Năm bắt đầu vào mùa tinh giản.

Dư luận đang trông đợi kết quả từ những cam kết mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện Nghị quyết 39. Hy vọng, sẽ bớt đi những tiếng phàn nàn đội ngũ của ta “đông mà không tinh”, có trên “30% công chức cắp ô” nhưng tinh giản vẫn không đúng đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết tinh giản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO