Kiệt quệ vì lũ kép

Hạnh Nguyên 03/11/2016 09:32

Tháng 10 năm nay như một ác mộng kinh hoàng của người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh. Một tháng 2 trận lũ lớn càn quét qua các huyện như Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên…khiến người dân kiệt sức vì lũ. Đến sáng ngày 2/11, tại Hà Tĩnh vẫn còn 7 hồ chứa đang xả lũ, 1.080 hộ dân ngập trong nước lũ.

Kiệt quệ vì lũ kép

Bà Võ Thị Khang thổi lửa nấu cơm trong ngôi nhà bị lũ ngập tới mép cửa.

Tại xóm 10 xã Gia Phố (huyện Hương Khê) hiện tứ bề vẫn là nước. Cầu Đông Hải nối liền trung tâm xã đến các xóm từ xóm 10 đến xóm 14 đã bị chia cắt.

Để tiếp cận được với người dân, nhóm PV chúng tôi phải thuê thuyền máy, vượt qua mấy km đường sông, luồn qua những hàng cây ngả rạp do lũ cuốn mới vào được. Mặc dù nước đã rút nhưng 14 hộ dân ở vùng Cồn Đảo xóm 10 vẫn bị cô lập.

Bà Võ Thị Khang (SN 1960) sống một mình trong ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo vì lũ xô, tưởng chừng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Đợt lũ lần này khiến bà Khang phải sống trên chạn 3 ngày 3 đêm, mấy con gà làm vốn cũng được bà đưa lên ở cùng. “Mấy hôm nay cán bộ xã biết tôi một mình ở đây nên chèo thuyền đưa cơm vào. Bữa nào không có cơm tôi tranh thủ nấu nước pha mỳ tôm ăn cầm lòng chờ nước rút”, bà Khang mếu máo nói.

Đa phần thực phẩm của người dân nơi đây những ngày này là mỳ tôm và lương khô được các nhà hảo tâm cứu trợ. Người dân ở đây cho biết, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào cây bưởi nhưng chỉ trong tháng 10 năm nay 4 đợt lũ lần lượt kéo đến, ngâm cây bưởi trong nước lũ, héo rũ rượi.

Bà Nguyễn Thị Hịu (70 tuổi) cũng là hộ neo đơn ở xóm 10, xã Gia Phố, cho biết nước lũ rút từ sáng nhưng bà không còn sức để dọn dẹp nữa, nhìn lớp bùn dày cộm trong nhà bếp mà ngao ngán. “Tôi mới dọn bùn được vài bữa giờ lại tiếp tục, tuổi già, sức yếu nên không thể cố được nữa”, cụ Hịu nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích - Chủ tịch UBND xã Gia Phố, ngày 1-11, toàn xã có 650 hộ ngập từ 0,2 - 1,5m. Đến chiều 2/11, nước lũ rút chậm vẫn còn 300 hộ dân đang bị ngập. Từ xóm 10 đến xóm 14 đang bị cô lập hoàn toàn như một ốc đảo.

Trong ngày hôm qua và hôm nay, ở vùng cao ráo, Chủ tịch xã và một số cán bộ đã cắt cử lực lượng nấu cơm tiếp tế lương thực cho hơn 100 hộ dân là người già, người neo đơn, người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn.

Điều đáng lo ngại đối với người dân vùng lũ là việc sản xuất vụ Đông bị đình trệ. “Ngay sau đợt lũ trước (từ 14 đến17/10), người dân đã tập trung vào sản xuất ngô vụ Đông để cứu đói nhưng vừa trỉa hạt được đúng một ngày thì trận lũ khác lại kéo đến khiến hơn 4ha ngô chìm trong nước lũ” – ông Bích cho biết.

Người dân ở xã Lộc Yên cũng chung cảnh ngộ khi vừa xuống giống ngô vụ Đông đã bị nước lũ cuốn trôi. Chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Lộc Yên) than thở: “Gần 5 sào ngô của gia đình tôi đã gieo hai lần rồi mà vẫn bị ngập úng nhiều ngày. Nhà tôi nuôi hai đứa con ăn học cũng nhờ vào chừng ấy ruộng, giờ mất trắng, sắp tới không biết lấy gì ăn”.

Chủ tịch xã Lộc Yên, Nguyễn Văn Hưng cho biết: Sau khi nước lũ đợt trước rút, xã cấp giống để người dân gieo vụ đông cho kịp. Toàn xã có hơn 3ha ngô vừa xuống giống được một ngày thì bị đợt lũ mới san phẳng cả. Giờ không kịp sản xuất vụ đông cứu đói nữa, người dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói trong thời gian tới.

Thống kê từ huyện Hương Khê cho thấy, toàn huyện có 75 ha ngô vụ Đông vừa xuống giống đã bị nước lũ cuốn trôi, tập trung tại các xã như Gia Phố, Phú Gia, Hương Thủy, Lộc Yên. Số giống này được tỉnh hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất sau lũ.

Đến nay toàn huyện vẫn còn 812 hộ ở 8 xã bị ngập gồm các xã Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Đô, Gia Phố, Phúc Đồng, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ.

Lập 2 đoàn công tác trực tiếp ứng phó với mưa lũ

Ngày 2/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp giao ban trực tuyến với Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và miền Nam.

Để chủ động phòng chống diễn biến phức tạp của mưa lũ tại các tỉnh, thành phố ven biển Trung Bộ hiện nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình khẩn trương kiểm tra các khu vực bị ngập lũ, chia cắt để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn; tổ chức hỗ trợ nước uống, lương thực, chăn màn và nhu yếu phẩm thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân bị đói, khát, rét.

Các tỉnh ven biển Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để chủ động các biện pháp ứng phó. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung Công điện 1925 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 34 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Ngay trong ngày 2/11, hai đoàn công tác của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung đã được thành lập để kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và từ Thừa Thiên-Huế trở vào.

Bình Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiệt quệ vì lũ kép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO