Cộng đồng người Việt ở Ba Lan: Nặng lòng với quê hương, đất nước

Thành Luân(ghi) 29/04/2017 12:25

Chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Quân- Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, nghe ông chia sẻ nhiều điều lý thú về cuộc sống, công việc đầu tư, kinh doanh của kiều bào tại Ba Lan, cũng như những tâm tư, sự quan tâm của bà con mong muốn một ngày sẽ đầu tư về nước.

Một khu chợ của người Việt tại Ba Lan.

Trong vai trò là là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, ông Trần Quốc Quân còn được biết đến là một nhà văn yêu nước, với các tác phẩm có tiếng vang trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan, như tiểu thuyết “Tuyến Hoang” (Nxb Trẻ) và mới đây ông tiếp tục ra mắt cuốn “Bóng Làng” (Nxb Trẻ). Ông Quân cũng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, sở hữu hàng chục ha đất biệt thự sang trọng Osiedle Park AGAT ở Ba Lan.

Ông Quân cho biết, trước năm 1991, ở Ba Lan chỉ có khoảng 500 người Việt Nam. Trong số đó phần lớn là lưu học sinh và nghiên cứu sinh, cùng với 160 nữ thợ may làm việc trong một xí nghiệp may tư nhân. Sau năm 1991, số lượng người Việt Nam đổ vào Ba Lan sinh sống, học tập và lập nghiệp với số lượng tăng lên hàng chục lần và đạt tới đỉnh điểm 30.000 người những năm 2007, 2008. Đến nay số lượng ước tính khoảng 20-25.000 người.

Trong cộng đồng có nhiều tổ chức hội đoàn như Hội Người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh viên, các Hội đồng hương...

Người Việt tại Ba Lan còn cho ra hai trang báo mạng và nhiều trang nhóm Facebook có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Trường Lạc Long Quân chuyên dạy tiếng Việt cho các cháu từ lớp 1 đến lớp 4 được thành lập gần 20 năm trước và vẫn duy trì hoạt động liên tục đến nay.

Ông Quân cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan trưởng thành ngày càng cao về chính trị. Trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương gần đây, có 6 người Việt Nam tham gia ứng cử, nhưng do chưa đủ chín muồi, nên chưa có người nào trúng cử.

Bà con luôn hướng về quê hương, đất nước với tình cảm sâu nặng, đầy trách nhiệm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh tế, riêng tháng 10/2016, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã quyên góp được tổng cộng trên 2 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình với nhiều hình thức thiết thực.

Với câu hỏi: Ở Ba Lan, Việt kiều thường đầu tư, làm ăn trong lĩnh vực nào? ông Quân cho biết, sau khi đạt đỉnh phồn vinh vào năm 2008, việc làm ăn của bà con trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, người Việt Nam dễ thích ứng với hoàn cảnh.

Trước đây phần lớn bà con buôn bán quần áo, giày dép ở các chợ thì hiện nay chủ yếu tại các trung tâm thương mại và một phần chuyển dần sang làm quán bar, nhà hàng, vài nhóm bắt đầu đầu tư kinh doanh khách sạn. Số đông người Việt Nam hiện nay vẫn bán buôn quần áo giày dép tại các trung tâm thương mại, một số ít hơn bán lẻ tại các chợ.

Tại Ba Lan có hàng nghìn quán bar, nhà hàng Việt Nam. Người Ba Lan thích ăn món ăn Việt Nam. Tuy nhiên rất ít người làm giàu được từ nghề làm quán ăn, phần lớn chỉ đủ sống.

Tại thủ đô Warszawa có nhiều trung tâm thương mại rộng hàng chục nghìn mét vuông cho hàng trăm công ty nhiều nước thuê mặt bằng để bán buôn do doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đầu tư như các tập đoàn ASG, EACC, ASEANPL, ASEANEU... và khu đô thị hàng trăm biệt thự Agat Park do tập đoàn EACC xây dựng.

Gần đây doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan bắt đầu chuyển hướng kinh doanh mua lại khách sạn hoặc xây mới khách sạn hàng trăm phòng...

Trong số chuyển vốn về Việt Nam đầu tư có một số cá nhân, một số doanh nghiệp xuất xứ từ cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đang kinh doanh rất thành công, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Ông Quân cho rằng, muốn thu hút được dòng tiền của Việt kiều từ nước ngoài đầu tư về trong nước, ngoài chính sách thông thoáng, ưu đãi về thuế, về đất đai thì một trong những yêu cầu hàng đầu là các chính sách đảm bảo tính minh bạch về tài chính, đấu giá và bình đẳng về điều kiện kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước.

Khi cơ hội kinh doanh trong nước đảm bảo tăng trưởng tốt hơn, hiệu quả hơn so với ở nước ngoài thì dòng vốn của Việt kiều sẽ đổ về đầu tư trong nước và ngược lại.

PV: Mới đây tại Hà Nội, ông có ra mắt tác phẩm “Bóng Làng” viết về những người Việt xa xứ, mưu sinh xứ người. Thông điệp của ông qua tác phẩm này là gì?

Ông Nguyễn Quốc Quân: “Bóng Làng” gồm 9 chương là 9 câu chuyện viết về 9 nhân vật có quan hệ họ hàng, láng giềng tương hỗ, khắc họa nên 9 tính cách đặc trưng của người Việt Nam. Bóng Làng là cái “bóng” làng quê Bắc Bộ soi mình bên dòng sông Wisla chảy qua thủ đô Warszawa của Ba Lan.

Cái nếp làng quê với đầy đủ đất lề quê thói được những người con tha hương mang sang tận phương trời Ba Lan. Tưởng như để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt nhưng nó lại cản trở quá trình hội nhập vào văn hóa và xã hội bản địa.

Những thế hệ con người mang theo nếp cũ “bóng làng” ấy, khi đã thành công ở xứ người muốn đầu tư về trong nước trước hết nhằm tìm kiếm cơ hội nhân bội thành quả đã đạt được ở nước ngoài. Đất nước mình từ một nền tảng thấp đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cộng với con người, văn hóa tương đồng dễ hòa nhập hơn trong quá trình khai thác các thế mạnh về nhân lực, về giá cả để tối ưu hóa lợi nhuận.

Bên cạnh đó những người con xa xứ khi thành đạt thực lòng mong muốn gửi gắm tình cảm cá nhân trong các việc làm thiết thực để giúp đỡ quê hương, đất nước phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cộng đồng người Việt ở Ba Lan: Nặng lòng với quê hương, đất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO